Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên kỷ niệm 30 năm ngày thành lập

Chiều 10/10, Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; lãnh đạo các ban, đơn vị, cơ quan thường trú thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam và đại diện các sở, ban, ngành, địa phương các tỉnh Tây Nguyên.

Báo cáo tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên Vũ Hải Định cho biết: Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên được thành lập tháng 6/1993, theo quyết định của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chức năng nhiệm vụ chính của đơn vị là sản xuất, phát sóng chương trình phát thanh các thứ tiếng dân tộc thiểu số Tây Nguyên; truyền dẫn các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên và làm công tác phóng viên thường trú.

Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ảnh 1

Quang cảnh lễ kỷ niệm.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, từ 4 người ban đầu, nay đã ổn định ở quy mô hơn 60 người thuộc 8 dân tộc, là cơ quan thường trú lớn nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hiện, Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên sản xuất 6 chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, gồm Ê-đê, Ja Rai, Ba Na, Xơ Đăng, M’Nông và K’Ho.

Ngoài trụ sở và nhân sự chính ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cơ quan có văn phòng và phóng viên thường trú tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng.

Đa số cán bộ, phóng viên cơ quan không ngại khó khăn, tích cực công tác. Các biên dịch viên, phát thanh viên ngoài nhiệm vụ dịch-đọc-dàn dựng các chương trình phát thanh, đã thực hiện hàng trăm chuyến đi cơ sở để tiếp xúc bạn nghe đài, ghi âm dân ca và sưu tầm truyện cổ Tây Nguyên.

2.500 bài dân ca và nhiều truyện cổ từ các chuyến đi như vậy đã góp phần làm phong phú nội dung các chương trình phát thanh tại chỗ; góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.

Các kỹ thuật viên của cơ quan đã vận hành hiệu quả hệ thống thiết bị được cấp, đồng thời tích cực nghiên cứu khoa học, xây dựng hệ thống lưu trữ, số hóa các chương trình phát thanh và kho dân ca, truyện cổ, sử thi đã sưu tầm liên tục trong 30 năm; soạn bộ gõ Taynguyenkey phù hợp với các ký tự đặc biệt của chữ viết các dân tộc Tây Nguyên, giúp việc soạn thảo văn bản, tin tức, chương trình… bằng tiếng dân tộc được thuận lợi và phát huy được trên các nền tảng số.

Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ảnh 2
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ tặng bức trướng của Đài Tiếng nói Việt Nam cho Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên mang dòng chữ: Đoàn kết-đổi mới-tích cực-hiệu quả.

Các phóng viên Cơ quan Thường trú Tây Nguyên tích cực đi công tác vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các vùng bị thiên tai, lũ lụt để đưa tin, viết bài, phản ánh kịp thời.

Các phóng viên cũng đầu tư chiều sâu, tìm hiểu kỹ việc thực hiện các chủ trương, chính sách, các vấn đề kinh tế, xã hội, các sự vụ xảy ra ở khu vực để có các tác phẩm báo chí giá trị.

Từ năm 2008 đến nay, các phóng viên của Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên giành hơn 50 giải báo chí, từ Giải A Giải Báo chí quốc gia, Giải Vàng Liên hoan Phát thanh toàn quốc, đến các giải báo chí cấp ngành và địa phương.

Liên tục trong nhiều năm, Cơ quan được Đài Tiếng nói Việt Nam Thường trú tại Tây Nguyên được tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc và được các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong khu vực tặng bằng khen. Năm 2004, 2008, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều năm được được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ… Nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các danh hiệu chiến sĩ thi đua ngành, chiến sĩ thi đua cơ sở.

Trong giai đoạn mới, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình phát thanh tại chỗ theo hướng tương tác cao, gần gũi và đậm bản sắc Tây Nguyên. Đặc biệt, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng xu thế truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng.

Đội ngũ phóng viên của cơ quan sẽ tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bám sát địa bàn, quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, phát huy truyền thống 30 năm để hoạt động báo chí của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Tây Nguyên càng thêm phong phú, nhanh nhạy, đóng góp vào sự phát triển chung của Đài Tiếng nói Việt Nam và các tỉnh Tây Nguyên.

Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ảnh 3

Lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên có nhiều thành tích xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ đánh giá cao những nỗ lực và thành tích đạt được của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên và nhân viên Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên trong 30 năm qua.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đề nghị trong thời gian tới, Cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên cần chú trọng, chủ động thích ứng với những thách thức và khó khăn tại địa bàn để xây dựng chiến lược phát triển theo từng giai đoạn với những nhiệm vụ thiết thực.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung chương trình phát thanh tại chỗ theo hướng báo chí hiện đại, gần gũi với đồng bào và giàu bản sắc dân tộc Tây Nguyên. Đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng xu thế chuyển đổi số, lấy thính giả, độc giả là trung tâm trên cơ sở phát huy thế mạnh của đơn vị…