Co Phương - dấu ấn một thời máu lửa

Những người có chung ngày giỗ

Bà Lê Thị Khoát có vóc người nhỏ bé nhưng còn nhanh nhẹn và minh mẫn dẫn chúng tôi đến các gia đình thân nhân liệt sĩ. Từng tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cho đến giờ bà vẫn nhớ mỗi địa danh bà từng đi qua cùng những câu ca vang bóng một thời. Bà bảo, thế hệ bà người vào bộ đội trực tiếp chiến đấu, kẻ đi thanh niên xung phong mở đường, bắc cầu. Riêng bà hòa cùng dòng người đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Ngã nước, sốt rét và đạn bom không ngăn cản được tinh thần hướng về tiền tuyến của lực lượng dân công bấy giờ.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi tìm đến đúng nhà Bí thư Ðảng ủy xã Thiệu Hợp, Lê Hồng Lan, người thờ tự liệt sĩ Lê Văn Giảng. Ngày đi dân công hỏa tuyến, ông Giảng mới ngoài 20 tuổi, chưa lập gia đình. Sau ngày ông mất ở Phú Lệ, lần theo lời kể của lớp dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ, anh em họ tộc nhiều lần trở lại chiến trường xưa tìm kiếm hài cốt để di chuyển về quê nhưng đành để ông lại với đồng chí, đồng đội. Xã Thiệu Hợp có 30 liệt sĩ chống Pháp, trong đó Lê Văn Giảng, Ðỗ Thị Vanh, Ðỗ Ðình Vực, Ðỗ Nghị, Lê Văn Hợp, Ðinh Văn Tiểu cùng hy sinh ở hang Co Phương (Quan Hóa). Tháng tư này, các gia đình đều làm giỗ cùng một ngày để tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Cũng như nhiều thanh niên lúc bấy giờ, họ đã tình nguyện xa gia đình, người thân lên đường phục vụ chiến đấu. Ruột tượng, gồng gánh trên vai, hòa cùng đoàn xe thồ vận chuyển lương thảo cho tiền tuyến. Dấu chân của họ từng in dấu khắp dải đất miền tây tỉnh Thanh Hóa cùng khúc ca đồng hành và niềm tin tất thắng: Gánh gánh gồng gồng / Lên kho đổ lúa / Vượt qua rừng nứa / Lượn trong rừng cây / Thóc hai bồ đầy / Mà không thấy nặng / Mặc dù trời nắng / Ta vẫn cứ đi / Vui sao vui quá / Vui lạ vui lùng / Tiếp vận rất đông / Vui chân quên mệt / Hai vai kẽo kẹt / Miệng vẫn hò khoan / Ðường tắt, dốc ngang / Sợ chi dốc ướt / Già trẻ nức lòng / Công tác xung phong / Thi đua giải nhất. Sau nhiều ngày đi bộ, họ tập kết, nghỉ ngơi tại bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa để tiếp tục hành quân sang Co Lương, Mai Châu, Hòa Bình. Chẳng ngờ cái ngày định mệnh đến sớm và mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, các dân công hỏa tuyến nêu trên mới được truy phong liệt sĩ.

Nỗi đau biến thành trầm tích

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Nhiều tuyến đường được mở ở vùng thượng du Thanh Hóa nối sang Hòa Bình, Sơn La để vận chuyển lương thảo nuôi quân. Tuyến đường 15A trở thành tọa độ lửa, vùng trọng điểm đánh phá của không quân Pháp. Thêm vào đó, quân Pháp đồn trú ở đồn Co Lương (Hòa Bình) thường xuyên mở các cuộc càn quét sang vùng tự do nhằm cắt đứt tuyến đường chuyển vận quân lương. Ðồng bào các dân tộc thiểu số khu vực này phải sơ tán vào rừng, lên núi, chỉ để lại lực lượng dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Lúc này ông Hà Văn Nhậm làm Trưởng bản Sại, đội phó dân quân xã Phú Lệ. Tại bản, gần hang Co Phương có một kho trung chuyển lương thực đồng thời là điểm dừng chân của lực lượng vận tải lương thảo phục vụ chiến dịch Ðông - Xuân 1953-1954. Sáng ngày 2-4-1953, khi lực lượng dân công hỏa tuyến đang tạm dừng chân để tiếp tục vận chuyển lương thảo vào tuyến lửa, bất ngờ trên bầu trời Phú Lệ xuất hiện ba chiếc máy bay "bà già" bổ nhào xuống thung lũng Co Phương cắt bom. Hỏa lực địch giội trúng đội hình vận tải. Một quả bom tấn rơi trước cửa hang làm những khối đá đổ sập xuống, nhiều dân công trú ẩn trong hang tử nạn. Công tác thương binh, tử sĩ được tiến hành trong điều kiện chiến tranh ác liệt nên không tránh khỏi sơ suất. Thêm vào đó, việc di chuyển những khối đá đè sập hang Co Phương gặp nhiều khó khăn nên đành thất lễ với người chín suối. Hòa bình lập lại trở về nơi cư trú cũ, đồng bào bản Sại mới hay ở khu vực này và trong hang  Co Phương còn nhiều di cốt của dân công hỏa tuyến.

Năm 1998, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, huyện Quan Hóa, xã Phú Lệ đã tiến hành khảo sát, dự kiến dùng thuốc nổ phá đá tìm kiếm, quy tập hài cốt dân công hỏa tuyến hy sinh trong hang. Tuy nhiên, vị trí hang quá gần khu dân cư, số đông ý kiến cho rằng không nên xáo trộn tâm linh người đã khuất nên đề xuất phương án chỉ xây dựng nhà bia tưởng niệm. Ðược biết số dân công hỏa tuyến hy sinh tại khu vực này chủ yếu ở các huyện đồng bằng, trong tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương vẫn về đây dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng di tích cách mạng cho hang Co Phương nhằm tôn vinh những người có công với nước, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay, mai sau.

Mai Luận