Bọn tôi đi lên một trong hai ngọn núi cao nhất của thành phố tỉnh lỵ. Tỉnh lỵ nằm gọn trong thung lũng với dòng sông chảy qua và những dãy núi bao quanh. Ở đây, mọi thung lũng đều là nơi để sinh sống. Chỗ nào thung lũng hẹp quá thì leo lên núi để làm nhà, làm nương, sinh con đẻ cái. Bọn trẻ con, hoặc là lớn lên dưới chân những ngọn núi, hoặc là lớn lên ở lưng chừng những ngọn núi.
Từ trên rất cao nhìn xuống, mọi nhà cửa đường sá đều gọn trong tầm mắt. Như thể chỉ cần dùng hai tay, vốc một cái là mọi thứ đều gọn trong lòng.
Tôi vẫn muốn gọi cái phần phố xá dưới kia là thị xã hơn dù người ta đã nâng cấp thành thành phố từ mấy năm rồi. Cái thị xã đầy ánh sáng. Nếu bạn sinh ra ở các đô thị, bạn sẽ không thể nào hình dung được tâm trạng của một đứa bé sống trong một thung lũng nhỏ, không có điện, thứ chiếu sáng ban đêm chỉ là ánh lửa và ánh đèn dầu.
Trừ những đêm trăng sáng, còn thì hầu như thung lũng của tôi chìm trong bóng tối. Bóng tối dày đặc, nặng trĩu, thẫm màu. Tôi ngồi ở hè nhà, đung đưa hai cẳng chân bé nhỏ, với một con chó nằm sát bên cạnh, trong tiếng muỗi vo ve, tiếng gió khe khẽ lay lá rơi ngoài vườn, và nhìn lên phía thị xã. Thị xã, phía sau những quả núi, cách nơi tôi ở gần 10 cây số, luôn được định vị bằng một quầng sáng.
Cái quầng sáng vàng vàng hắt lên vòm trời đêm. Chỉ thị xã mới có điện. Vào mùa hè bọn trẻ con có thể được uống nước lạnh toát, được dùng quạt điện, được ăn kem, được xem ti vi và được đọc sách thoả thuê... Nếu có một nơi là thiên đường, chẳng phải chính là thị xã đó sao.
Chính là cái thị xã ở dưới kia mà tôi đang ngắm nhìn.
Ngày ấy, trong tâm hồn bé bỏng thơ dại của tôi đã nảy ra bao nhiêu mơ ước. Mà giờ nghĩ lại, chẳng có mơ ước nào lớn lao. Chúng đều thật là giản dị quá mà.
Nơi này, cả cái vùng đất nghèo khó này, cả những thung lũng và núi đồi này, đã và có lẽ mãi mãi, là một thế giới bất khả xâm phạm, bất khả hủy hoại trong tâm hồn đứa trẻ không bao giờ lớn, dù tôi có già đi bao nhiêu.
Có người nói, sao nhớ thương miền núi đến thế lại không quay về mà sống? Ồ, nếu như mọi điều chúng ta muốn đều có thể đạt được trong cuộc đời này, liệu có chắc chúng ta sẽ thật là hạnh phúc? Phàm đã sinh ra làm một con người, chẳng ai là không có gánh nặng phải mang. Những gánh nặng không thể chối từ.
Sống, chẳng bao giờ là dễ dàng.
Và càng ngày tôi càng nhận ra, người tha thiết sống nhất lại là người dễ gặp thương tổn nhất. Người đắm say cuộc đời nhất, lại là người dễ bị làm đau nhất. Và những vết đau cần phải được chữa lành bằng một tâm hồn lương thiện. Nghĩa là, chẳng ai chữa lành cho bạn tốt hơn chính bản thân bạn. Còn một điều nữa, có thể bạn không tin đâu, nhưng những vết thương khiến bạn mến yêu hơn cuộc đời này, trân quý hơn những ngày tháng này.
Tôi thích nghĩ rằng, hạnh phúc luôn ở trên con đường ta đang đi. Trân quý hôm qua và lạc quan vào ngày mai, không lệ thuộc cả quá khứ hay tương lai. Tôi lệ thuộc vào tôi trong hiện tại. Hạnh phúc là ở trong hiện tại. Say mê cũng nằm trong hiện tại.
Tôi thích sự bình thản của những ngọn núi. Dù hàng triệu năm qua đi, dù bao nhiêu kiếp người được sinh ra và mất đi, dù có phải gánh trên thân mình bao nhiêu vết thương do loài người mang lại, những ngọn núi vẫn mặc nhiên đứng đó, nhìn sông suối gió mây. Kiên định, bất khuất, tĩnh tại, nhiệt thành.
Tôi nhớ buổi chiều muộn hôm nào, con bé của tôi, đứa cháu gọi tôi bằng bác. Nó đứng ở cổng nhà, dưới tán cây bằng lăng bà nội nó trồng, hai tay ấp quyển vở vào ngực và đứng chờ tôi về. Khi tôi vừa dừng xe, còn chưa tắt máy, nó chạy ào ra.
Con bé học lớp hai, chờ tôi về để khoe cuốn vở chính tả với những hàng chữ đều tăm tắp. Mắt nó trong veo, miệng cười rạng rỡ, mái tóc đã bắt đầu mọc lại sau đợt điều trị ung thư bạch cầu rất dài ngày.
Trái tim tôi thắt lại những nhịp đau nhói.
Con bé đã đứng đó rất lâu, kể từ lúc nghe lỏm cuộc điện thoại tôi gọi cho bà nội nó là tôi chỉ còn cách nhà 40km nữa. Khi nó ào vào vòng tay tôi, trời đã sẫm tối. Bóng của những ngọn núi sau lưng nó đã phủ xuống cả thị trấn. Nó ríu rít kể chuyện học ở trường ở lớp vui thế nào.
Tôi im lặng, ôm xiết nó trong lòng. Thời gian đối với nó mà nói, thật khó để tính bằng năm. Tôi đã gặp một vị giáo sư đầu ngành để nghe về tình trạng của nó trong cái hình dung chung về căn bệnh quái ác này. Chúng tôi chỉ có những hy vọng mong manh, rất mong manh.
Khi con bé từ đây về Hà Nội, Hà Nội trong mắt nó chỉ là từ phòng bệnh tới các khoa phòng điều trị, rồi lại từ khoa phòng về lại giường bệnh.
Nó bằng tuổi tôi của những tháng năm ngồi hiên nhà và nhìn lên quầng sáng huyền diệu từ phía thị xã.
Rồi lần kế tiếp sau đó, tôi về thì nó không chạy ra đón nữa. Con bé ngồi thu lu trên ghế, với cái bụng đã chướng to, không cười, không nói. Nỗi ngơ ngác của một đứa trẻ không hiểu tại sao mình phải trải qua bệnh tật và biết rằng cái chết chờ ở phía trước, khiến nó hầu như không cất lời nữa.
Lần kế tiếp nữa, tôi vừa khóc vừa lái xe, 11 giờ đêm về đến cửa nhà dì tôi. Con bé chỉ còn mỉm cười trong một tấm ảnh, với đôi mắt trẻ con buồn kỳ lạ.
Sống ở trên đời này, thực sự không phải là điều dễ dàng. Dù với một đứa trẻ hay với một người trưởng thành. Mà thực ra, tôi nghĩ, người ta phải cần cả một cuộc đời để trưởng thành. Người ta, có lẽ, cũng cần cả những chuyến đi xa, những rời bỏ để nhớ thương suốt đời. Nhớ thương là một cảm giác hạnh phúc, có lẽ thế chăng?!
Bọn tôi nhìn sang phía ngọn núi cao còn lại, anh tôi kể: Hồi xưa có lần anh với hai anh bạn leo lên tận đỉnh ngọn núi ấy để mua gỗ về đóng quan tài cho bố của một người bạn. Ông lão đã dự tính rằng mình sẽ chết vào một quãng thời gian nhất định, và ông muốn chuẩn bị sẵn cho việc ra đi.
Thiết thực nhất là đóng sẵn một cỗ quan tài. Ba chàng trai đi từ sáng sớm, ăn cơm nắm và uống nước lã trong rừng, đến tối mịt thì mang được mấy tấm ván xuống đến chân núi.
Người quê tôi, có thể nói, xem trọng cái chết và cũng không xem trọng cái chết. Hiểu theo nghĩa nào cũng được. Đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, người ta sửa soạn cho sự ra đi một cách thản nhiên, cẩn thận. Giống như sửa soạn cho rất nhiều việc trong đời như cưới vợ, làm nhà, dựng vợ gả chồng cho con cái, làm đám tang cho bố mẹ ông bà.
Cái chết, sự chết, chỉ là bắt đầu một giai đoạn khác, sang một thế giới khác, vậy thôi. Và người ta muốn được bước sang thế giới khác một cách tươm tất, có chuẩn bị trước, thật đàng hoàng. Bà lão hàng xóm nhà tôi có một cái quan tài được mua từ khi tôi mới chỉ 5-6 tuổi.
Mà đến tận khi tôi hơn 30 tuổi bà mới dùng đến nó. Suốt tuổi thơ, tôi với lũ cháu nội của bà leo trèo chạy nhảy chơi trốn tìm trong cái quan tài ấy. Nó cứ nằm yên vị dưới chân cầu thang nhà sàn, chờ ngày được khiêng đi chỗ khác.
Trong một cuốn sách nào đó của Osho, tôi không nhớ tên, ông từng viết rằng: Người ta không thể giết một người đã sẵn sàng chết, đại ý như vậy. Tôi nghĩ rằng, giống như bố của bạn anh trai tôi, giống như bà lão hàng xóm nhà tôi, giống như đứa bé của tôi, ai cũng sẵn sàng cho một cái chết.
Xem sự chết như một điều tất yếu của sự sống. Xem cái chết giống như một chuyến đi. Cách quan niệm ấy có gì hay? Nó sẽ khiến cho người ta trân trọng từng ngày một đang sống. Tôi nghĩ vậy. Trân trọng hiện tại, tìm thấy hạnh phúc trong hiện tại, sống hết mình trong hiện tại, chẳng phải là điều tuyệt vời nhất sao.
Tôi đã từng nghĩ rằng, có thể, cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời mình, sẽ là một cuốn viết về cái chết. Quan sát nó ở tâm thế bình thản tĩnh tại của một ngọn núi, giả sử như vậy. Người Tày quê tôi làm đám tang to lắm. Ông Then làm lễ suốt mấy ngày liền, các loại nhạc cụ réo rắt ngày đêm, mâm bát bày lên lại dọn đi liên tục liên tục.
Và thứ tôi thích nhất, quả thực là tôi thích đến tận bây giờ, là những ngôi nhà táng. Những ngôi nhà khung tre, vách, mái đều làm bằng giấy rực rỡ sắc màu, cắt tỉa trang trí các loại hoa giấy đẹp vô chừng. Trên đường từ nhà ra nghĩa địa, người ta chụp ngôi nhà ấy lên quan tài, và khi chôn cất xong, ngôi nhà ấy được đem đốt đi. Có lẽ hàm ý, người chết sẽ mãi mãi được sống tiếp trong ngôi nhà đẹp tuyệt ấy...
Hoàng hôn đang buông, và mặt trăng 14 âm lịch thì đã lên, to như một cái mâm bạc, lửng lơ trên đỉnh ngọn núi bên kia. Trong chiều tà, dòng sông thân thuộc ánh lên đỏ hồng. Chợt thấy một điều gì thật tha thiết đang dậy lên trong lòng. Có lẽ là bởi vì, dù ở dưới thung lũng hay ở trên những ngọn núi, tôi đều có thể tìm lại được cái phần mình đã làm rơi khi rời nơi này ra đi.