Trên mặt đá cạn khô

Cuối thu.

Bọn tôi lang thang trong khu rừng yên tĩnh đầy những cây thông to dưới chân một ngọn núi. Bống đi trước. Cái áo đỏ như một cánh bướm của nó phấp phới trên lối mòn. Tôi đi giữa. Nhi cầm máy ảnh đi sau cùng. Mùi nhựa thông bị đốt cháy đâu đó rất thơm. Và những bông hoa li ti đang bắt đầu cụp cánh vào lúc cuối ngày...

0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | Lê Thiết Cương
Minh họa | Lê Thiết Cương

Hai đứa trẻ khiến tôi nhớ tuổi thơ của mình đến thế. Cũng những buổi chiều như thế này. Mặt trời bắt đầu lặn thì tôi từ trên núi về nhà với một bó củi ở trên vai. Tôi là một đứa trẻ gầy guộc. Những cẳng chân cẳng tay bé tí chằng chịt vết gai cào. Tóc tôi dày và bù xù, những cái răng cửa to, đôi mắt hình như hơi trố bên dưới cặp lông mày mọc tua tủa chẳng hàng lối gì. Tôi nghĩ mình là một đứa bé xấu xí và chỉ những cánh rừng rộng lớn mới là nơi mà tôi không cần mặc cảm.

Nhà tôi ở dưới chân núi, mái ngói nâu thẫm lẫn giữa những tán cây. Một ngọn khói vơ vẩn bay lên từ căn bếp nhỏ. Tôi biết là mẹ đã từ vườn về và bà vừa mới nhóm bếp để nấu cơm. Không biết chiều nay mẹ nấu món gì. Một nồi cá kho với dưa chua, hay một ít thịt ba chỉ kho với rất nhiều trám, thật là nhừ, xem xém lửa, thơm ơi là thơm. Cái bụng lép kẹp của tôi bắt đầu sôi trong khi rừng ồn ào lên bởi những cơn gió đã bắt đầu phảng phất hơi lạnh.

Tôi kể cho các con nghe ký ức ấy. Bọn trẻ thường rất tò mò về tuổi thơ của mẹ. Rằng mẹ đã sống thế nào trong cái thung lũng không có ánh điện, chỉ thắp sáng bằng đèn dầu? Mẹ đã đi học thế nào khi trường ở rất xa? Mẹ làm thế nào để trở về nhà khi len lỏi trong những cánh rừng rậm rì vô tận để nhặt củi khô? Thậm chí là mẹ đã ăn gì để lớn lên? Từ lúc nào đó, tình yêu với cây cỏ hoa lá, bình minh và hoàng hôn, bầu trời và những đám mây, cơn mưa cũng như những ngọn gió trong lành... đã lan từ tôi sang các con.

Trong ráng chiều, chúng tôi ngồi xuống và yên lặng tận hưởng cảm giác yên bình chỉ thiên nhiên mới có thể mang lại.

Đã rất nhiều năm rồi bọn trẻ mới lại được theo mẹ về quê. Ngôi nhà xưa không còn. Khi dừng xe trước ngõ, con ngõ nhỏ, cỏ mọc um tùm, hoa dại trổ ra những bông trắng li ti, tôi nói: Nó không còn thuộc về chúng ta nữa. Hai đứa trẻ im lặng. Tôi cảm thấy rằng chúng cũng thấm thía một nỗi nuối tiếc rằng nơi này và mẹ đã không còn thuộc về nhau từ khá lâu rồi.

Tôi vẫn thường nghĩ, có lẽ là, phần đông chúng ta, suốt đời phải sống ở những nơi mà mình không thực sự thuộc về. Như là tôi, như là bố mẹ, các anh và rất nhiều bạn bè tôi, cuối cùng đã chọn thành phố làm nơi sinh sống, xây dựng những thứ gọi là sự nghiệp, đặt ra rất nhiều mục tiêu và cố gắng đạt tới. Nhưng chúng tôi đều không thuộc về thành phố. Chúng tôi chỉ lấy thành phố làm nơi tiêu tốn hầu như toàn bộ thời gian sung sức nhất. Có rất nhiều lý do để làm thế. Và tất nhiên, cũng có nhiều lý do để có thể không làm thế. Nói chung chẳng nên phân tích tại sao.

Giờ thì ở quê, anh tôi có một khu vườn rất rộng nằm sát sông, trồng các loại rau quả, nuôi cá, gà, vịt... Ba thế hệ gia đình anh đang sống ở đây. Mỗi lần về quê, nhà không còn, chúng tôi đều về nhà các anh chị để không phải gặm nhấm nỗi chua chát khi ở khách sạn. Từ cánh rừng sát nhà, tôi rủ các con ra sông. Dòng sông này thân thuộc như thể nó luôn chảy trong tôi, hoặc là như thể tôi đã luôn đẫm mình trong nó suốt bao tháng năm qua. Xưa các cụ nói, nhất cận thị nhị cận giang. Thực ra đến tận bây giờ, cuộc sống của cư dân bên cạnh những dòng sông luôn dễ chịu, êm đềm, tĩnh lặng và hài hòa. Trong khu vườn có hàng rào bao quanh, dăm bảy con vịt đang sục mỏ xuống vũng nước. Anh tôi bảo mấy hôm trước mưa lớn ở thượng nguồn, nước dâng cao lắm. Mấy con vịt này trôi trên sông, dạt vào cái hõm nước sát vườn nhà rồi leo lên ở luôn đấy. Chắc là đàn vịt nhà ai đó tít trên kia bị nước cuốn đi trong đêm.

Sát vườn là dòng sông lúc chiều buông với tất cả vẻ đẹp triệu năm của nó. Ở đây, trên dòng sông này, bờ bên này, bờ bên kia, mọi thứ đều thân thuộc, kể cả mấy cô người Mán đang đốt nương. Tất nhiên họ có lẽ là con hoặc thậm chí cháu của mấy cô xửa xưa, nhưng sao tôi cứ cảm thấy đó chính là mấy cô Mán cũ. Bên ấy có bản người Mán Nùng Áng. Mấy chục năm rồi người Mán vẫn sống ở sau núi, cách xa thị xã, cách xa người Kinh, sang bên này sông phải đi bằng thuyền. Ngày ấy, khi tôi ngang qua thấy họ buộc cái địu lên cành cây mát, trong đó một đứa trẻ đang ngủ say. Anh em tôi thỉnh thoảng lại sang đấy để mót sắn. Người Mán canh tác theo kiểu trồng sắn quanh nương vừa làm hàng rào vừa lấy củ, ở giữa trồng ngô, các loại đậu hoặc gieo lúa nương.

Mỗi mùa nhổ sắn xong họ quăng cây lại, cây bén rễ xuống đất vài tháng lại ra củ. Củ không ngon, nhưng chăn nuôi được. Bọn tôi phải leo lên tận đỉnh núi, rìa những nương lúa và đào lên thứ sắn gần như mọc hoang ấy. Hai anh em đi từ đầu giờ chiều, đào xong, mang về dưới chân núi để còn kịp qua sông về nhà thì trời cũng đã tắt nắng. Có lần đào nhiều quá không mang hết được vì nặng, phải bỏ bớt lại mà lẩm bẩm tiếc suốt chặng đường về. Và dù muộn thế rồi, đứa trẻ vẫn đang ngọ ngoạy trong cái địu treo lơ lửng ở cành cây. Từ trong địu, đôi mắt tròn xoe nhìn ra, mồm chóp chép. Rồi mai kia lớn lên, chẳng mấy chốc đâu, những bước chân đầu tiên của nó cũng là những bước chân leo núi.

Ngày ấy, tôi hay đứng ở ngọn đồi ngay sau lưng nhà mình nhìn sang phía đối diện, thấy những dãy núi liên tiếp chồng lên nhau, cứ núi sau cao hơn núi trước, không biết đâu là điểm cuối cùng. Suốt mùa hè, nắng dữ dội từ sáng đến chiều. Mỗi người Mán khi đi làm nương lại chặt theo một tàu lá cọ. Họ cắm tàu cọ xuống nơi làm để che nắng, người di chuyển đến đâu thì nhấc tàu cọ cắm theo đến đấy. Sáng che phía đông chiều che phía tây. Những tàu cọ chốc chốc lại di chuyển khiến tôi liên tưởng đến những đàn kiến khiêng miếng thức ăn quá to so với cơ thể. Nghĩ thế là bởi vì không nhìn thấy người đâu, chỉ nhìn thấy những tàu cọ chốc chốc lại đổi chỗ trên triền núi màu đỏ. Tắt nắng thì là lúc cỏ rả đã khô, họ gom thành đống và bắt đầu đốt. Nhá nhem tối, những đống lửa đỏ bập bùng cháy khắp triền núi. Thỉnh thoảng họ chèo mảng sang bên này sông, mang theo vài thứ gì đó - gà, trứng gà, hoặc cá câu được dưới sông, hoặc ngô khoai sắn... bán vội rồi mua về dầu, muối, mì chính, xà phòng giặt. Họ ít cười, giao tiếp khó khăn khi phải dùng tiếng Kinh, thật thà chất phác, không biết mặc cả.

Tôi bảo thằng cháu cho cô sang sông với. Nó lạch cạch lôi thuyền ra. Và bọn tôi ngược lên thượng nguồn rồi đi sang bên kia trong lúc mặt trời đã lặn nhưng trời sẽ vẫn còn sáng rất lâu. Hồi xưa, bố nó cho tôi qua sông bằng mảng, giờ nó cho các em qua sông bằng thuyền máy. Tôi không thấy tuổi thơ của tôi ở trong các con và có lẽ chúng cũng rất khó khăn nếu muốn tìm mình ở đây, trong hiện tại nhưng thấm đẫm kí ức tuổi thơ của mẹ. Nhưng bằng cách nào đó chúng tôi vẫn chạm được vào nhau, những đứa bé của hiện tại và đứa bé của bốn mươi năm về trước.

Bọn tôi im lặng, phần vì tiếng máy của chiếc thuyền quá to so với sự yên tĩnh của dòng sông nằm chìm nghỉm dưới những vách núi cao, phần vì không muốn cất một lời nào.

Khi xưa tôi luôn tin rằng dòng sông có cảm xúc, đôi lúc nó giận dữ còn hầu như hiền hòa. Thậm chí tôi tin rằng nó còn có trái tim. Một trái tim ướt át và ấm nóng mà một lúc nào đó có thể nó sẽ nằm chật chội trong lòng bàn tay tôi, cựa quậy như một con cá nhỏ và những giọt nước sẽ bắn ra. Tất nhiên, sau đó thì tôi rời đi. Tôi để lại dòng sông và biết rằng nó sẽ luôn ồn ào vào mùa hè, yên ắng khi những ngày đông tháng giá quét hơi lạnh trên mặt đá cạn khô. Nhưng điều mà tôi hay hình dung nhất là trên mặt sông cạn ấy có một đứa bé răng to ôm mấy củ sắn đứng nhìn về hạ nguồn.

Mấy cô Mán vẫn chưa về, những đống lửa vẫn đỏ, mùi khói thơm thật là thơm từ những thân cây đậu bị đốt cháy.