Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Cơ hội và thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nghiên cứu dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi nhận thức sâu sắc về chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực phù hợp thực tiễn đất nước và trình độ phát triển khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực.

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các doanh nghiệp. Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội, cho phép doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tri thức, các công nghệ tiên tiến, với những đột phá giúp giảm mạnh chi phí sản xuất, vận hành, giảm áp lực về trình độ của lực lượng lao động. Bên cạnh cơ hội, điều đó cũng đặt ra áp lực, thách thức không nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh, trong đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực về nguồn lực đầu tư để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, đột phá...

Đây là một thực tế đối với ngành đường sắt Việt Nam. Tại dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Trung ương đã chỉ rõ, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu. Vận tải hàng hóa trong nước chủ yếu là đường bộ. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức tới đường sắt, đường thủy... Làm việc lâu năm tại ngành đường sắt, chúng tôi rất chờ đợi sự định hướng của Đảng cụ thể hóa, sát thực tiễn hơn, làm đòn bẩy thay đổi căn bản ngành công nghiệp đường sắt. Trong môi trường cạnh tranh quyết liệt với các phương thức vận tải khác mà vận tải đường sắt luôn ở thế bất lợi bởi hệ thống kết cấu hạ tầng và công nghệ vận tải cũ kỹ, lạc hậu, nhiều năm không được quan tâm đầu tư đúng mức. Hệ thống văn bản quy phạm, pháp luật cho hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới và thực trạng đường sắt Việt Nam...

Trong điều kiện đó, làm sao để sự phát triển tận dụng được những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải và chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam theo từng thời kỳ là câu hỏi mà chỉ một mình ngành đường sắt sẽ không thể trả lời. Cần có giải pháp tổng thể ở tầm vĩ mô để việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ đường sắt bảo đảm tiên tiến, hiện đại và làm chủ được công nghệ thời kỳ cách mạng 4.0. Về phương tiện, trước mắt cần nghiên cứu giải pháp sản xuất để thay thế các phương tiện giao thông đường sắt cũ nát, quá niên hạn sử dụng. Giải pháp lâu dài là lựa chọn công nghệ, tiến tới đóng mới toàn bộ các đoàn tàu nội đô và trên mạng lưới đường sắt quốc gia. Về hạ tầng đường sắt, cần liên doanh liên kết các cơ sở trong và ngoài nước hướng tới sản xuất toàn bộ phụ kiện vào năm 2030.
Để định hướng có tính khả thi cao, cần những giải pháp cơ bản về cơ chế chính sách, quy hoạch, nguồn vốn; về khoa học công nghệ... đồng bộ, liên thông nhằm phát triển công nghiệp đường sắt phù hợp trình độ phát triển chung của ngành giao thông vận tải, tiếp tục thực hiện hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.