Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cũng lên tiếng cảnh báo, để biến công cụ này trở nên hữu ích, người dùng cần hết sức cẩn trọng và cần “thông minh” hơn ứng dụng này.
Nâng cao hiệu quả công việc
Theo Sở Thông tin Truyền thông thành phố, trong một khảo sát tại 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thì gần một nửa số doanh nghiệp đã bước đầu ứng dụng ChatGPT vào một số công việc, quản lý thay thế cho đội ngũ nhân sự hiện tại. Đơn cử như, ChatGPT đã thay các nhân viên viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung,... Vấn đề này đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và một khoản chi phí khá lớn trong quá trình hoạt động.
Hoạt động trong nhiều lĩnh vực về tài chính, công nghệ, dịch vụ với lượng khách hàng ở nhiều quốc gia trên thế giới, CEO Tập đoàn BIN Lê Hùng Anh cho biết: Hiện tại nhân viên, lãnh đạo của BIN đã ứng dụng để hỗ trợ công tác quản lý, điều hành công việc hằng ngày.
Tại công ty, các nhân viên, quản lý sử dụng ChatGPT để thực hiện việc soạn các nội dung marketing, truyền thông các sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn. ChatGPT không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà hiệu quả công việc cũng tăng lên gấp hàng trăm lần nhờ tốc độ xử lý của “bộ não nhân tạo”, điều này cho thấy, ứng dụng rất hữu ích nếu người dùng, quản lý doanh nghiệp biết cách khai thác tốt các tính năng mà ứng dụng mang lại, ông Lê Hùng Anh nhấn mạnh.
Mấy tháng qua, ứng dụng ChatGPT trở thành “từ khóa” được nhiều người tìm kiếm và tải về sử dụng. Vừa mới “ra mắt” người dùng vào cuối tháng 11/2022 nhưng đến nay đã có 100 triệu lượt người đã tải ứng dụng này về thiết bị thông minh. Điểm nổi trội của ứng dụng chính là nó có thể trả lời được tất cả các câu hỏi, vấn đề mà người dùng đặt ra chỉ trong một lệnh thoại vài giây.
Nhận thấy những tiềm năng để hỗ trợ các hoạt động trong quản lý nhà nước, hỗ trợ các cơ quan công quyền trong phục vụ người dân và doanh nghiệp nâng cao hoạt động quản lý, hiệu quả công việc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Đình Thắng cho biết: Sở đã đặt hàng các đơn vị, chuyên gia nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào các lĩnh vực như: hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ (dịch vụ công trực tuyến, hồi đáp tiến độ giải quyết thủ tục hành chính,...); hỗ trợ lãnh đạo thành phố trong xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu; xây dựng hệ thống trợ lý học tập cho các cấp học tại thành phố; cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong sử dụng ChatGPT.
Chủ động ứng xử với ChatGPT
Ứng dụng ChatGPT vào hoạt động công vụ được xem là một trong số các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Trong đó, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.
Tuy vậy, trước ứng dụng còn rất mới mẻ này, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, tính năng vượt trội, ChatGPT trong quá trình vận hành cũng đặt ra những tiềm ẩn, thách thức cho quản lý nhà nước như vấn đề bảo đảm tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột bản quyền, an ninh mạng có liên quan đến ChatGPT,...
Vì vậy, để sử dụng ứng dụng hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần thận trọng; xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh một cách chủ động.
Ở góc độ chuyên gia, PGS, TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bản thân ứng dụng này vẫn đang tiếp tục “học” thông qua tiếp nhận nguồn tri thức do con người cung cấp cho nên nó đang ngày một “thông minh” hơn.
Tuy nhiên, chính vì việc tiếp nhận nhiều nguồn thông tin chưa được kiểm chứng đã dẫn tới những câu trả lời, kiến thức cung cấp cho người dùng của “bộ não nhân tạo” vẫn cần phải được xác minh từ các nguồn đáng tin cậy. Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng các đơn vị, cơ quan quản lý có thể ứng dụng ChatGPT để phục vụ công việc trong các cơ quan hành chính nhằm tiết kiệm công sức cho cán bộ, người dân khi quản lý, tra cứu và trích xuất dữ liệu.
Còn TS Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía nam nhấn mạnh: Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung có năng lực tạo ra hơn một triệu thông tin mỗi ngày cho nên “sức người” rất khó kiểm soát, kiểm chứng tính xác thực các thông tin, do ứng dụng tạo ra.
Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cần các chính sách để các ứng dụng thông minh này được sử dụng một cách hiệu quả. Trong đó, việc xây dựng kiến trúc hệ sinh thái AI có khả năng tích hợp ứng dụng, xây dựng cơ chế kiểm định tự động đầu ra của ChatGPT đối với các ứng dụng liên quan đến dịch vụ công, nâng cao nhận thức về GPT và AI, đầu tư cho sự phát triển nghiên cứu khoa học về dữ liệu.
ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot do Công ty khởi nghiệp OpenAI (trụ sở tại Mỹ) phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một AI (trí thông minh nhân tạo). Điểm đặc biệt của AI này nằm ở “kho” kiến thức mà nó đã học được.
ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, vấn đề mà người dùng đưa ra ở nhiều lĩnh vực. Ứng dụng này còn có thể làm thơ, soạn nhạc, viết thư, thiết kế và thậm chí là cả sửa lỗi trong lập trình. Nhiều người đã sử dụng ChatGPT để phục vụ công việc, đời sống. Đây cũng chính là quá trình “nạp” tri thức cho ứng dụng, nên sẽ khiến AI này ngày càng thông minh hơn.