Cơ hội đang đến
Nền giáo dục thế giới hôm nay là một nền giáo dục phát triển, hiện đại của một xã hội và nền kinh tế hiện đại, của nền kinh tế tri thức. Hội nhập là cơ hội để qua con đường mở rộng hợp tác quốc tế ta học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những kiến thức hiện đại, chọn lọc từ trong đó những cái thích hợp với ta để xây dựng nền giáo dục của Việt Nam thành một nền giáo dục tiên tiến, từng bước tiến lên hiện đại, hoàn thiện một hệ thống giáo dục quốc dân phát triển bền vững. Hội nhập là cơ hội chúng ta tranh thủ hợp tác liên kết với nước ngoài để đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài, cử các nhà giáo Việt Nam đi dạy ở nước ngoài, đi hợp tác nghiên cứu ở các trung tâm giáo dục ở nước ngoài. Mời các nhà giáo nước ngoài đến nước ta giảng dạy và hợp tác nghiên cứu các vấn đề giáo dục - đào tạo. Khuyến khích thanh niên Việt Nam có điều kiện đi du học, mở cửa các trường đại học cho thanh niên thế giới vào học tập tại Việt Nam. Từng bước nhanh chóng nâng nền giáo dục nước ta ngang tầm nền giáo dục thế giới và rút ngắn khoảng cách tụt hậu của giáo dục Việt Nam so với thế giới.
Trên thế giới, nhiều nước thực hiện thành công dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục. Những kinh nghiệm của họ, những thành công, thất bại của họ là bài học quý đối với ta. Trong quá trình thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục, xu thế hội nhập sẽ giúp ta thu hút các nguồn lực của xã hội, kể cả ở trong nước và cả ở nước ngoài để xây dựng và phát triển nền giáo dục quốc dân bền vững.
Hội nhập cũng đang mở ra cơ hội để các trường đại học, các viện nghiên cứu trở thành những trung tâm sản xuất, sử dụng, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu tri thức và chuyển giao công nghệ hiện đại, thông qua đào tạo và nghiên cứu để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài khoa học. Hội nhập sẽ góp phần từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình giáo dục theo trình độ khu vực và thế giới về các phương diện: nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, phương tiện giáo dục, quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, đội ngũ những người quản lý giáo dục... hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục học tập suốt đời trong một xã hội học tập.
Thách thức còn lớn
Trước hết là việc nắm bắt và khai thác những cơ hội, hay để các cơ hội trôi đi. Ðể giải quyết vấn đề này nếu không đổi mới tư duy, nhận thức, không thay đổi cách điều hành quản lý một nền giáo dục theo kiểu thời bao cấp thì thách thức ngày càng lớn. Giáo dục - đào tạo thế giới đã mở, đã được hiện đại hóa, chúng ta không thể không khai thác, không học hỏi để phát triển nền giáo dục của ta. Ta phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nhìn để học hỏi, chọn lọc, tiếp thu cái đẹp, cái tốt của thế giới, bỏ những cái dở, cái chưa hay của ta để xây dựng một nền giáo dục mới phù hợp bước phát triển mới của đất nước và thời đại. Trên thực tế, khi ta hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, thị trường giáo dục ở Việt Nam đã và đang hình thành.
Trên thị trường đó vừa có hợp tác vừa có cạnh tranh. Cạnh tranh trong nước và cạnh tranh với nước ngoài, và ai cũng đang cố gắng xây dựng thương hiệu mạnh cho trường để hy vọng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh. Chấp nhận thực tế này là một thách thức đối với ngành giáo dục nước ta. Phải chấp nhận thực tế đó vì nó đang phát triển theo đúng quy luật, chấp nhận nó để hướng dẫn, quản lý và đưa thị trường này phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, nếu với tư duy cũ, giữ cách nhìn cũ, kết quả chắc chắn sẽ dẫn đến sự tự phát một thị trường dịch vụ giáo dục phát triển không lành mạnh, nhiều tiêu cực, do không được quản lý, hướng dẫn. Một trong những hệ quả của kinh tế thị trường thời hội nhập là gia tăng phân hóa giàu nghèo. Xã hội sẽ chia thành các tầng lớp có điều kiện sống khác nhau. Ngoài những phân cách khác (về trình độ phát triển của các vùng địa lý, hoàn cảnh gia đình, khả năng trí tuệ, thể chất con người...) việc phân hóa xã hội sẽ dẫn đến sự phân hóa môi trường, điều kiện giáo dục, làm gia tăng tính không công bằng trong giáo dục. Tình hình đó sẽ tạo ra một thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu: đào tạo, xây dựng thanh niên thành những con người xã hội chủ nghĩa, xây dựng lý tưởng phụng sự Tổ quốc cho thanh niên. Như dư luận xã hội và báo chí đã phân tích, nền giáo dục - đào tạo của ta hiện còn nhiều yếu kém. Ðể góp phần khắc phục tình trạng đó, điều cấp bách là xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng để hoạt động giáo dục - đào tạo phát triển lành mạnh, đúng hướng. Xây dựng được một khung pháp lý điều tiết được mọi hoạt động giáo dục - đào tạo của Việt Nam hôm nay cũng là một thách thức. Việc này đòi hỏi đổi mới một cách cơ bản, sâu sắc tư duy, cách quản lý và phương pháp giáo dục, cách nhìn nhận đánh giá con người thời hội nhập.
Khai thác tốt cơ hội, nhận rõ những thách thức để có những chủ trương, biện pháp khắc phục, chính là những vấn đề cần quan tâm trong mục tiêu và nhiệm vụ đổi mới, phát triển nền giáo dục nước nhà nhằm đáp ứng chiến lược đào tạo con người của Ðảng ta.