Cơ hội từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo các chuyên gia, sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mang lại nhiều cơ hội, cũng như không ít thách thức đi kèm cho doanh nghiệp trong nước. Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử cần có bước chuyển mình để phát triển một thế hệ doanh nghiệp nội địa mới.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian hàng giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.
Một gian hàng giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, thiết bị điện và công nghệ số của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023.

Cơ khí, điện tử… là các ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho công nghiệp ở bất cứ quốc gia nào, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam.

Cần chuyển mình

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 “bùng nổ” đã giúp công nghệ tự động hóa, rô-bốt hóa trở thành xu hướng, công nghệ xử lý trong các thiết bị thông minh được dự báo phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Chính những điều này đã mang tới vị thế rất lớn cho lĩnh vực cơ khí, nhất là ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.

Theo Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 đang là xu thế đem lại cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần có bước chuyển mình, nâng tầm để phát triển một thế hệ doanh nghiệp nội địa mới, để có thể thật sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một sự cộng hưởng và là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả.

Ông Diệp Bảo Cánh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE) là một trong những hội ngành nghề hàng đầu và có uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh. HAMEE có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí-điện tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. HAMEE đang triển khai dự án Made by Vietnam để đẩy mạnh công tác quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam với các sản phẩm công nghiệp Việt tại thị trường nội địa, cũng như kết nối đến thị trường các nước.

Dự án Made by Vietnam nhằm tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng cao chất và lượng của sản phẩm Việt.

Đẩy mạnh ứng dụng tiêu chí xanh

Các chuyên gia cho rằng, trong nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội do sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại, ngoài việc đầu tư các công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần đẩy mạnh đầu tư áp dụng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

Đây được xem là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp có khả năng trở thành một mắt xích mạnh trong chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu trong tương lai. Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Không nằm ngoài xu hướng áp dụng ESG của các doanh nghiệp trên toàn cầu, những mục tiêu nhằm tăng cường sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp ở Việt Nam đang dần được cụ thể hóa. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn, việc tham gia vào chương trình ESG giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, việc tập trung đầu tư nhiều vào “bộ các tiêu chí của ESG” sẽ làm phân tán, dàn trải các yếu tố về nguồn lực như nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp có yếu tố nguồn lực hạn chế về tài chính, công nghệ… thì chiến lược phát triển và kế hoạch ESG sẽ gặp nhiều khó khăn khi cùng một lúc thỏa mãn tất cả các tiêu chí. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn triển khai chương trình ESG. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng, và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được.

Các chuyên gia nhận định, việc phát triển ESG sẽ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng của thế giới trong tương lai. Đây là tiền đề quan trọng không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng năng suất, nâng cao chất lượng mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững để phát triển nhanh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách để phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử. Theo kế hoạch triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí-tự động hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành cơ khí-tự động hóa.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí-tự động hóa; hỗ trợ phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc chuyển giao công nghệ, tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý chuyên ngành và các hệ thống tích hợp mới phù hợp. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai áp dụng các công cụ năng suất phù hợp, áp dụng các công cụ quản trị tài sản trí tuệ để bảo vệ và khai thác có hiệu quả các kết quả hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.