Cơ hội từ kinh tế sáng tạo

Nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia, nhất là ở các nước đang phát triển và trong tình trạng gia công, lắp ráp và xuất khẩu thô như Việt Nam.
Show diễn "Nụ hôn của biển cả" tại thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc, Kiên Giang) là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. (Ảnh HOÀNG TRUNG)
Show diễn "Nụ hôn của biển cả" tại thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc, Kiên Giang) là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. (Ảnh HOÀNG TRUNG)

Khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn 30 năm qua, tùy thuộc vào thực tiễn phát triển của từng quốc gia. Trong quá trình phát triển đó, các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.

Dư địa lớn cho Việt Nam

Trong nỗ lực tìm tòi, tham vấn chính sách cho Chính phủ mở rộng không gian kinh tế mới để thúc đẩy tăng trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đang thực hiện nghiên cứu về phát triển kinh tế sáng tạo. Nội dung cụ thể gồm: Tập trung vào hệ thống hóa các khái niệm cơ bản của kinh tế sáng tạo, rà soát các xu hướng phát triển chủ yếu của kinh tế sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia, từ đó đối chiếu với thực trạng ở Việt Nam và đề ra các kiến nghị chính sách.

Kết quả nghiên cứu ban đầu của CIEM cho thấy, trên thế giới, kinh tế sáng tạo phát triển theo xu hướng chủ yếu là xuất khẩu hàng hóa sáng tạo và xuất khẩu dịch vụ sáng tạo. Đối với xuất khẩu hàng hóa sáng tạo, doanh số đã tăng mạnh từ 208 tỷ USD năm 2002 lên 524 tỷ USD năm 2020 nhờ các biện pháp hỗ trợ công nghiệp văn hóa và sáng tạo được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Trong đó, châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đã có sự thay đổi đáng kể từ 2006 đến nay với xu hướng giảm các mặt hàng băng, đĩa CD, DVD, báo chí, các tài liệu in trong khi gia tăng mạnh về xuất khẩu phương tiện truyền thông ghi âm và trò chơi điện tử. Các nước phát triển chiếm ưu thế trong lĩnh vực xuất bản, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, trong khi các nước đang phát triển chiếm ưu thế xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.

Về xuất khẩu dịch vụ sáng tạo, doanh số trên toàn thế giới cũng tăng từ 487 tỷ USD năm 2010 lên gần 1.100 tỷ USD vào năm 2020. Xuất khẩu các dịch vụ sáng tạo đã vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển, số hóa.

Để đem về doanh thu hàng chục tỷ USD từ kinh tế sáng tạo, các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia đã sớm có chiến lược phát triển kinh tế sáng tạo, thể hiện tầm nhìn của quốc gia trong việc chuyển đổi từ một nền kinh tế công nghiệp dựa trên xuất khẩu sang một nền kinh tế sáng tạo có tính bền vững.

Theo đánh giá của CIEM, năm 2020 Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới, xét về giá trị hàng hóa xuất khẩu. Các ngành kinh tế sáng tạo gồm thủ công mỹ nghệ, thời trang và thiết kế, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, phim và truyền thông, công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm, du lịch và di sản văn hóa, âm nhạc và giải trí, sáng tạo nội dung số (blog, vlog, podcast và tạo nội dung trên mạng xã hội); tiếp thị và quảng cáo số...

Định hình khung chính sách

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm còn khá mới mẻ cho nên trong thực tiễn đang có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Những thảo luận chính sách gần đây về kinh tế sáng tạo cũng chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản và cũng chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan và chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu thương mại và cạnh tranh: Kinh tế sáng tạo có sự giao thoa của nhiều lĩnh vực nhưng phát triển kinh tế sáng tạo lại gắn với dấu ấn cá nhân. Điều này đòi hỏi ở góc độ quản lý, chính sách đề ra phải vừa có sự phối hợp giữa nhiều bộ, ngành liên quan, vừa chạm đến từng cá nhân để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển các ý tưởng sáng tạo.

Vị chuyên gia gợi mở muốn phát triển kinh tế sáng tạo, cần có chiến lược, quy hoạch và những chính sách ưu tiên, có thể là các sự kiện quy mô lớn gắn với văn hóa, nghệ thuật hoặc gắn với hoạt động du lịch như chương trình thi pháo hoa ở Đà Nẵng. Nhìn rộng hơn, kinh tế sáng tạo có thể là các hoạt động xuyên quốc gia, thí dụ như mời những người nổi tiếng thế giới đến biểu diễn. Để làm được điều này, các điều kiện trong nước phải đáp ứng được các yêu cầu của tour diễn về cơ sở hạ tầng, năng lực tổ chức sự kiện, kết hợp nhiều hoạt động cùng lúc để tạo sự cộng hưởng, nâng tầm sự kiện và gia tăng giá trị từ kinh tế sáng tạo.

Cho rằng sở hữu trí tuệ là xương sống, là huyết mạch của kinh tế sáng tạo, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định việc thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả sẽ thúc đẩy các nhà sáng tạo có động lực tiếp tục nghiên cứu, đồng thời khiến nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là vấn đề Việt Nam cần chú ý khi thúc đẩy kinh tế sáng tạo.

Năm 2020, Việt Nam được đánh giá xếp thứ ba trong tốp 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu với giá trị xuất khẩu hơn 14 triệu USD, chiếm 2,7% kim ngạch chung của thế giới và chiếm 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Nhân tố hỗ trợ kinh tế sáng tạo tại Việt Nam đến từ yếu tố dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước; di sản văn hóa phong phú; quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng; tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)