Cơ hội, thách thức đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khi  hội nhập quốc tế

NDO -

NDĐT - “Dù hội nhập hay không, điều sống còn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả” - ý kiến của Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tại Hội nghị chuyên đề “Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng Khối Doanh nghiệp T.Ư hội nhập quốc tế”, do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư tổ chức, sáng 18-10, tại Hà Nội.

Cơ hội, thách thức đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khi  hội nhập quốc tế

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Theo Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư Bùi Văn Cường, Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu trong hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong Khối, nhận định những tác động, cơ hội, thách thức đối với các ngành, các doanh nghiệp nhà nước trước bối cảnh cộng đồng ASEAN sẽ hình thành và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp T.Ư là những doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc gia, như: điện, than, xăng dầu, khoáng sản, hàng không, đường sắt… hàng năm đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, bảođảm việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động. Các tập đoàn, tổng công ty trong Khối đã có 50 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng giá trị đăng ký là 104 nghìn tỷ đồng, đã triển khai thực hiện trên 85 nghìn tỷ đồng.

Hội nhập quốc tế với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do tạo ra cơ hội, thời cơ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Nhà nước phát triển, mở rộng thị trường, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, mở ra các khu vực mậu dịch tự do rộng lớn , thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong nước; nâng cao trình độ nguồn nhân lực và nền khoa học công nghệ quốc gia…

Thông tin về vòng đàm phán TPP, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ về hội nhập kinh tế thương mại quốc tế chia sẻ, TPP mở ra một thị trường 800 triệu dân, chiếm 40% tổng GDP thế giới, 30% tổng khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. TPP xóa bỏ gần như 100% thuế nhập khẩu…

“Hội nhập quốc tế đối với ngành ngân hàng đồng nghĩa với việc từng bước thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường ngân hàng theo các cam kết quốc tế. Điều này đã và đang tạo ra cho các ngân hàng thương mại Việt Nam những cơ hội để lớn mạnh và phát triển… Đó cũng là chặng đường nhiều chông gai đòi hỏi các ngân hàng TM Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh” - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Nghiêm Xuân Thành nhận định.

Đánh giá cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, khi hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã xác định những yếu tố then chốt để bảo đảm cho thành công, chú trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp trong dịch chuyển từ hình thức gia công từ khâu đầu đến khâu cuối, sang gia công từng phần, mua nguyên liệu - sản xuất - bán thành phẩm hoặc thiết kế - sản xuất - cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan, tiến tới sản xuất sản phẩm với thương hiệu riêng; xây dựng chương trình sản xuất vải phục vụ xuất khẩu, phát triển sản phẩm dệt kỹ thuật, dệt phục vụ y tế; phát triển nguồn nguyên liệu xơ bông, các loại cây có xơ sợi, xơ sợi nhân tạo và phụ liệu.

Khẳng định quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế là quá tình tính toán lâu dài, thận trọng nhưng khi có thời cơ, Việt Nam rất quyết đoán để tận dụng cơ hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ: Sẵn sàng cho ký kết và tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị, trên quan điểm đàm phán để đạt được lợi ích cao nhất về kinh tế. Trong đàm phán, Việt Nam đã yêu cầu có sự bảo hộ đối với một số hàng hóa còn đang yếu để các ngành hành này có thời gian khắc phục vươn lên.

Tuy nhiên, việc bảo hộ này cũng có hai mặt; nếu tận dụng tốt, các ngành hàng yếu có thể vươn lên nhưng nếu bảo hộ kéo dài, không có giải pháp thích hợp, bảo hộ sẽ thành lực cản. Thời gian bảo hộ chỉ nên là quá trình để các doanh nghiệp khắc phục yếu kém. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu, thực sự quan tâm đến việc hội nhập. Dù hội nhập hay không, điều sống còn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tái cơ cấu để hoạt động trở lên hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng, lâu dài đối với đất nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần đi đầu và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng chí đề nghị, cần tiếp tục có những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành, những người có trách nhiệm để làm rõ những cơ hội, thách thức khi gia nhập TPP, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả vừa tận dụng được cơ hội, đồng thời giảm thiểu tác động. Từng ngành hàng, từng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, đề ra kế hoạch tìm hướng phát triển.