Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup?

NDO -

Đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu lịch sử lần đầu đoạt vé vào vòng loại cuối của một kỳ World Cup. Vấn đề tiếp theo đó là chúng ta sẽ tiếp tục đặt mục tiêu thi đấu như thế nào ở vòng loại thứ 3 sắp tới đây, nơi từ lâu vốn được coi là sân chơi chỉ dành cho những đội bóng tốp đầu châu lục.

Đội tuyển Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình ở khu vực cũng như sân chơi châu lục trong những năm gần đây. (Ảnh: VFF)
Đội tuyển Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình ở khu vực cũng như sân chơi châu lục trong những năm gần đây. (Ảnh: VFF)

Lá cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á

Trong bối cảnh các đội bóng Đông Nam Á đều thi đấu không thành công ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam với vị thế đội bóng số 1 khu vực đã một lần nữa khẳng định vai trò của mình khi giương cao ngọn cờ bóng đá Đông Nam Á tại đấu trường châu lục.

Dù phải nhận thất bại trước UAE với tỷ số sát nút 2-3 ở lượt trận cuối nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn tạo nên kỳ tích khi giành vé dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022 với tư cách đội nhì bảng có thành tích tốt nhất.

Chúng ta cũng là đại diện Đông Nam Á duy nhất tiến sâu đến như vậy ở thời điểm hiện tại. Nhìn chung, ngoại trừ đội tuyển Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lọt vào nhóm 12 đội bóng mạnh nhất châu lục vào đến vòng loại cuối cùng của World Cup 2022, các đội bóng khác của khu vực Đông Nam Á đều thi đấu không thành công ở vòng loại World Cup.

Nhìn sang Thái Lan, đội bóng số 2 khu vực, có thể nói “Voi chiến” đã có một chiến dịch vòng loại World Cup thực sự tệ hại. Họ kết thúc vòng loại thứ 2 với vị trí áp chót bảng G, chỉ hơn đội cuối bảng Indonesia.

Các đội bóng Đông Nam Á khác cũng có thành tích bết bát, nhất là việc có tới ba trong tám đội xếp cuối bảng ở vòng loại thứ 2 đều đến từ Đông - Nam Á, gồm Myanamar, Indonesia và Campuchia.

Trong bối cảnh ấy, đội tuyển Việt Nam chính là điểm sáng hiếm hoi. Kết thúc vòng loại thứ 2 World Cup 2022 với 17 điểm sau năm chiến thắng, hai trận hoà và một thất bại, chúng ta cũng chính thức vượt Thái Lan để lập kỷ lục mới về điểm số mà một đội bóng Đông Nam Á giành được ở vòng loại World Cup.

Trước đó, Thái Lan từng hai lần vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup khu vực châu Á để dự vòng loại cuối vào các năm 2002 và 2018. Cụ thể, vào năm 2002, "Voi chiến" đã đạt được 16 điểm để giành vé đi tiếp. Đến năm 2018, Thái Lan dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Kiatisuk Senamuang tiếp tục tái lập thành tích này với 14 điểm để kết thúc vòng loại thứ 2 với chuỗi trận bất bại.

16 điểm mà Thái Lan từng có được ở vòng loại World Cup cũng là thành tích tốt nhất mà một đội tuyển Đông Nam Á từng làm được trong lịch sử. Và đến hiện tại, đội tuyển Việt Nam với 17 điểm đã chính thức vượt qua Thái Lan để thiết lập kỷ lục mới về điểm số cho bóng đá khu vực tại vòng loại World Cup.

Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định đội tuyển Việt Nam là đội bóng Đông Nam Á hay nhất ở vòng loại World Cup. Bên cạnh thành tích về điểm số, các thống kê khác của chúng ta đều hơn hẳn các đối thủ cùng khu vực. Trong đó, tiền đạo Tiến Linh là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất của Đông - Nam Á ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 với cả thảy năm bàn thắng (hai bàn vào lưới Indonesia, hai bàn khi đối đầu UAE và một bàn vào lưới Malaysia). Xếp sau Tiến Linh là Safawi Rasid, Mohamadou Sumareh (Malaysia), Angel Guirado (Philippines) và Ikhsan Fandi (Singapore) đều cùng có ba bàn thắng.

Ngoài ra, trang ASEAN Football cũng vừa đưa ra thống kê cho thấy đội tuyển Việt Nam thi đấu fair-play nhất trong số các đội bóng Đông - Nam Á tham gia vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Trong tám trận đấu đã qua, đội tuyển Việt Nam chỉ phải nhận chín thẻ vàng. Nếu theo số điểm fair-play quy đổi (thẻ vàng: -1 điểm, thẻ đỏ gián tiếp: -3 điểm, thẻ đỏ trực tiếp: -4 điểm) thì số điểm của đội tuyển Việt Nam là -9. Xếp thứ 2 là đội tuyển Thái Lan và Philippines với cùng 11 thẻ vàng (-11 điểm). Indonesia đứng thứ 4 trong danh sách này với -13 điểm.

Thêm nữa, ASEAN Football cũng chỉ ra rằng đội tuyển Việt Nam và đội U22 chưa từng để thua bất kỳ đối thủ nào đến từ Đông Nam Á, kể từ khi huấn luyện viên Park Hang Seo bắt đầu bén duyên với bóng đá Việt Nam từ cuối năm 2017.

Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup? -0
Bóng đá Việt Nam đang sở hữu thành tích 30 trận bất bại trước các đối thủ Đông Nam Á kể từ khi có sự xuất hiện của thầy Park. (Ảnh: ASEAN Football) 

Trong 30 trận đấu lớn nhỏ ở khu vực, bóng đá Việt Nam không để thua dù chỉ một trận, trong đó có tới 24 chiến thắng kèm sáu trận hòa ở mọi cấp độ. Thầy Park đã dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng hầu hết đối thủ trong khu vực, chỉ trừ Timor-Leste do chưa có dịp đối đầu.

Những thành tích này càng khẳng định một lần nữa vị thế của đội tuyển Việt Nam từ khu vực cho tới châu lục, trở thành lá cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á lọt tốp 12 đội bóng mạnh nhất châu lục dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo. Nhưng chừng đó đã đủ để chúng ta vẫy vùng trong biển lớn khi lần đầu tiên được tham dự vòng loại cuối của một kỳ World Cup?

Bài học từ người Thái và bước đệm cho tương lai

Cũng giống như đội tuyển Việt Nam ở hiện tại, Thái Lan cách đây năm năm đã tiến vào vòng loại cuối World Cup 2018 sau thành tích ấn tượng ở giai đoạn hai. Cả người hâm mộ và giới chức bóng đá Thái Lan khi ấy đặt kỳ vọng rất cao vào thầy trò huấn luyện viên Kiatisuk, tin tưởng rằng đội bóng con cưng của họ sẽ có thể hiện thực hóa giấc mơ World Cup cho bóng đá nước nhà.

Thế nhưng người Thái đã sớm vỡ mộng. Khởi đầu vòng loại cuối World Cup 2018 bằng thất bại 0-1 trước Saudi Arabia, Thái Lan thua liền bốn trận sau đó, trước khi có hai trận hòa trước Australia và UAE. Cuối cùng, họ khép lại vòng loại cuối đầy bẽ bàng với vị trí cuối bảng B, chỉ giành vỏn vẹn hai điểm nhờ hai trận hòa trên, còn lại là tám trận thua trắng.

Người Thái lúc này đã vỡ mộng khi bàng hoàng nhận ra rằng khoảng cách giữa họ với nhóm các đội bóng tốp đầu châu lục vẫn còn rất xa. Cú sốc bẽ bàng này không chỉ khiến Kiatisuk chia tay đội tuyển Thái Lan cùng giấc mơ dang dở, mà còn khiến bóng đá Thái Lan từ vị trí “anh cả” Đông Nam Á đã bị tụt lại phía sau đội tuyển Việt Nam và thậm chí cả Malaysia cho đến tận thời điểm này.

Mặc dù chúng ta đã có nhiều thành tích vượt trội trong những năm gần đây dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo, vẫn cần phải thừa nhận rằng bóng đá Việt Nam thực sự vẫn chưa trội hơn hẳn Thái Lan. Ở vòng loại thứ 2, chúng ta chỉ có được hai trận hòa với “Voi chiến” trong thế trận phải chấp nhận chơi "cửa dưới".

Dù đội tuyển Việt Nam vẫn đang giữ vững vị thế đội bóng số 1 Đông Nam Á, chúng ta vẫn không nên chủ quan để đi vào vết xe đổ của Thái Lan cách đây năm năm. Đặc biệt, trận thua UAE vừa qua cũng giúp thầy trò Park Hang Seo và cả giới chức bóng đá lẫn người hâm mộ Việt Nam vỡ ra nhiều điều, rằng chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa với nhóm đầu châu lục. Chưa vội nói đến việc cạnh tranh sòng phẳng vé đi World Cup với các “ông lớn” châu Á, ngay cả với UAE, đội bóng vẫn chỉ thuộc trong nhóm 2 sau các "ông kẹ" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran hay Qatar, tuyển Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều mới dần tiệm cận trình độ của họ.

Nói như vậy để thấy rằng, sẽ là không khả thi nếu chúng ta đặt mục tiêu thầy trò huấn luyện viên Park phải cạnh tranh hai vị trí đầu bảng ở vòng loại cuối cùng, hoặc chí ít là tranh vị trí thứ 3 để có suất đá trận play-off tranh vé vớt dự vòng play-off liên lục địa.

Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup? -0
Chúng ta cần tránh đặt nặng mục tiêu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. (Ảnh: AFC) 

Vấn đề là đội tuyển của chúng ta sẽ thi đấu như thế nào ở vòng loại cuối World Cup 2022, dự kiến khởi tranh từ đầu tháng 9 tới đây. Chúng ta cần hiểu rõ mình đang ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Á để nhập cuộc với tâm thế chủ động. Hãy coi đây là cơ hội để các cầu thủ trui rèn, được thi đấu, cọ xát với các đội bóng ở đẳng cấp cao hơn rất nhiều mà hiếm khi chúng ta có cơ hội đối đầu. Đó cũng là tiền đề cho những mục tiêu xa hơn trong kế hoạch dài hơi của bóng đá Việt Nam.

Các cầu thủ Việt Nam cần được va chạm với các đội mạnh để trưởng thành. Chúng ta đang sở hữu một tập thể các cầu thủ trẻ tài năng, với đa phần những Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức, Văn Hậu, Văn Toản, Việt Anh, hay Hai Long, Thanh Bình… sau năm năm nữa sẽ bước vào độ chín và có thể tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong đội tuyển quốc gia.

Và khi ấy, mục tiêu World Cup 2026 sẽ là đích đến, khi giải đấu nâng số đội tham dự từ 32 lên 48 đội và suất dành cho các đội bóng châu Á sẽ tăng lên 8,5 thay vì 4,5 suất như hiện tại. Chúng ta đã lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, nằm trong nhóm 12 đội mạnh nhất châu lục. Nếu sau đây bốn năm, tuyển Việt Nam vẫn lọt vào nhóm này, thì khi ấy, cơ hội đi World Cup của chúng ta sẽ lớn hơn rất nhiều.

Bởi vậy, nhìn vào bài học từ Thái Lan, hay sau thất bại trước UAE, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều cho đội tuyển Việt Nam. Thầy Park và ban huấn luyện chắc hẳn đã có những nhìn nhận, đánh giá riêng để hạn chế những lỗ hổng đã bộc lộ trong vòng loại thứ 2.

Hiện tại, toàn đội đang chuẩn bị kết thúc giai đoạn cách ly y tế tập trung sau khi trở về từ chiến dịch thành công trên đất UAE. Các cầu thủ sẽ sớm trở lại luyện tập để bắt nhịp với guồng quay V.League. Thời gian để hướng tới vòng loại cuối không còn nhiều. Với chưa đầy ba tháng nữa, chúng ta cũng không thể kỳ vọng một sự thay đổi hay bổ sung lực lượng ngay lập tức cho đội tuyển, nhất là khi Hùng Dũng hay Tuấn Anh dù bình phục chấn thương cũng khó có thể sớm trở lại với phong độ tốt nhất của mình.

Nên chăng huấn luyện viên Park có thể mạnh dạn thử nghiệm và tạo cơ hội cho một số nhân tố mới như sau màn thể hiện của Minh Vương để chúng ta tự làm mới mình ở vòng loại cuối, nhất là khi mục tiêu của chúng ta ở giai đoạn sắp tới đây phần nhiều sẽ là học hỏi, nỗ lực qua từng trận để có kết quả tốt nhất có thể trước những anh tài châu Á. Hơn ai hết, huấn luyện viên Park là người hiểu rất rõ nhất các điểm mạnh - yếu của đội bóng. Những kinh nghiệm khi đối đầu các đối thủ ở đẳng cấp cao hơn sẽ là hành trang để các cầu thủ trưởng thành.

Cơ hội nào cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup? -0
Những nhân tố mới như Minh Vương sẽ được trao nhiều cơ hội hơn ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022? (Ảnh: VFF) 

Về lâu về dài, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ban huấn luyện và các đội bóng chủ quản cần có chiến lược dài hơi để nâng tầm bóng đá nước nhà, trước mắt là nâng cao chất lượng các giải đấu quốc nội, cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư vào bóng đá, nâng cao chất lượng đào tạo trẻ, đào tạo các chuyên gia, huấn luyện viên và những người hoạch định chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.

Bản thân các cầu thủ cũng sẽ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao thể lực, cũng như kỹ, chiến thuật và nên được tạo điều kiện ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn nữa để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Chúng ta cũng cần có một định hướng, tầm nhìn chiến lược, cùng với những giải pháp cụ thể và cách làm bài bản để làm sao hạn chế những điểm yếu và phát huy tốt nhất tố chất con người Việt Nam cả về ý chí, tinh thần thi đấu, lẫn đấu pháp hay chuyên môn.

Hy vọng rằng, với những nền tảng phát triển vừa qua cùng những bước đi đúng, vững chắc trong tương lai, giấc mơ World Cup của hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực.

Theo kế hoạch của FIFA, vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á dự kiến khởi tranh từ ngày 2-9-2021 và kết thúc vào ngày 29-3 năm sau. Các lượt trận của vòng loại thứ 3 sẽ diễn ra vào các ngày 2-9-2021, 7-9-2021, 7-10-2021, 12-10-2021, 11-11-2021, 16-11-2021, 27-1-2022, 1-2-2022, 24-3-2022 và 29-3-2022.

Vòng loại World Cup 2022