PV: Trước việc một số dư luận cho rằng lãnh đạo Bạc Liêu đã “mạnh tay” chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài từ quốc gia lần thứ I- Bạc Liêu 2014. Thông tin này đã và đang gây nhiều bức xúc đối với dư luận và nhân dân. Đề nghị đồng chí cho biết có hay không việc này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Trước hết, chúng tôi phải khẳng định chắc chắn rằng: Không có chuyện chi hơn 2.000 tỷ đồng cho việc tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014. Kinh phí chi cho các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử vừa rồi chủ yếu từ nguồn vận động tài trợ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chỉ đạo tập trung quyết liệt 26 hạng mục, công trình đã thực hiện trước đó để chào mừng sự kiện này, trong đó có tới mười hạng mục, công trình của doanh nghiệp tư nhân đầu tư mà cơ quan chức năng chỉ đôn đốc như: Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu du lịch Nhà Mát, cụm nhà Công tử Bạc Liêu...
Trong 16 hạng mục, công trình còn lại thì có hai hạng mục chỉnh trang đô thị nên không tính. Còn lại 14 công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thì chỉ có hai công trình trước mắt phục vụ Festival đờn ca tài tử gồm: Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (cụm công trình ba chiếc nón lá), vốn đầu tư 222 tỉ đồng và dự án khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.
Thực tế trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, các nhà đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng hơn 20 hạng mục công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phúc lợi công cộng nhằm phục vụ nhân dân, trong số 21 dự án, công trình tỉnh phấn đấu hoàn thành trước thềm Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014 (được tổ chức tại trung tâm TP Bạc Liêu từ ngày 24 đến 29-4), đồng thời mừng kỷ niệm 39 năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng (30-4). Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ thông tin về việc Bạc Liêu chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival đờn ca tài tử.
PV: Ngoài hai công trình là Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật, Nhà hát Cao Văn Lầu (cụm công trình ba chiếc nón lá) và Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, còn các công trình nêu trên có liên quan gi đến Festival Đờn ca tài tử không, đồng chí có thể cho biết rõ hơn?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Như tôi vừa khẳng định, hai công trình là Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật, Nhà hát Cao Văn Lầu (cụm công trình ba chiếc nón lá) và Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử vừa rồi là những công trình văn hóa được khai thác sử dụng lâu dài, thiết thực cho các hoạt động của địa phương. Còn hơn 20 công trình như tôi đã nêu ở trên, nếu không có sự kiện Festival đờn ca tài tử thì tỉnh Bạc Liêu cũng xây dựng, vì những dự án này đã được tỉnh đưa vào kế hoạch từ lâu.
Một số dự án công trình đã được tỉnh có kế hoạch từ 5-10 năm trước, cụ thể như dự án xây dựng quảng trường Hùng Vương, dự án bờ kè sông Bạc Liêu, dự án Trung tâm văn hóa, Nhà hát Cao Văn Lầu… Bởi vì những công trình này rất thiết thực, sử dụng lâu dài, là mong muốn, nguyện vọng từ lâu đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đến nay mới thực hiện được.
Các công trình trọng điểm của tỉnh phục vụ dân sinh như quảng trường Hùng Vương, công trình kè sông Bạc Liêu, tuyến đường vành đai ngoài, bờ kè ven biển tại phường Nhà Mát, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu)… đều nằm trong dự án, kế hoạch của tỉnh đã có từ trước đây, có dự án cả gần mười năm rồi nay mới thực hiện được, đã được tính về hiệu quả sử dụng lâu dài.
Đáng trách là một vài tờ báo không hiểu do vô ý hay cố tình, cộng hết kinh phí các công trình nêu trên rồi “tung tin” Bạc Liêu chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival đờn ca tài tử. Thông tin như vậy đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, làm cho nhiều cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu không đúng bản chất sự việc, cho rằng chúng tôi lãng phí, làm dư luận hết sức bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh của những người có trách nhiệm lãnh đạo ở địa phương…
PV: Mấy ngày qua, một số tờ báo đăng tải thông tin: Tại quảng trường Hùng Vương ở trung tâm TP Bạc Liêu, lãnh đạo tỉnh cho xây dựng cây đờn kìm khá hoàng tráng, là biểu tượng văn hóa của tỉnh, kinh phí lên đến hơn 20 tỷ đồng. Đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về thông tin này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Tôi xin nói rõ, đối với công trình biểu tượng văn hóa của tỉnh (cây đàn kìm cách điệu) phần xây dựng có tổng mức hơn 8,2 tỷ đồng (gồm các hạng mục cây đàn kìm, đài sen, hồ nước, phun nước nghệ thuật, hệ thống ánh sáng đèn led…); hạng mục còn lại là đấu thầu lát đá tự nhiên của quảng trường 6,75 tỷ đồng, chứ không phải hơn 20 tỷ đồng như thông tin một số tờ báo đã nêu.
PV: Thời gian qua Bạc Liêu đã chi hơn 2.000 tỷ đồng cho 21 công trình nêu trên, trong đó chủ yếu tập trung vào TP Bạc Liêu. Có không ít ý kến cho rằng tỉnh hiện còn 13/50 xã ô-tô chưa về đến được trung tâm xã. Nên chăng, tỉnh cân đối vốn đầu tư làm 15 tuyến đường nông thôn sẽ hiệu quả thiết thực hơn là tập trung xây dựng các công trình văn hóa. Đồng chí giải thích rõ hơn về vấn đề này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Dự án đường về trung tâm xã đã được thực hiện hoàn thành 37 xã. Hiện nay, Bạc Liêu còn 13/50 xã ô tô chưa đến được trung tâm, trong đó có nhiều cây cầu lớn nên cần vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng; tuyến đường về trung tâm xã chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn T.Ư hỗ trợ; dự án này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016- 2020, nhưng do thắt chặt đầu tư công nên các công trình này chưa được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, do yêu cầu phục vụ phát triển KT-XH và nhu cầu đi lại của người dân, tỉnh nhiều lần kiến nghị T.Ư sớm hỗ trợ từ nguồn vốn mục tiêu hoặc cho cơ chế tạm ứng vốn thực hiện, nhưng trong điều kiện khó khăn chung kiến nghị này chưa được giải quyết.
PV: Từ sau đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, chúng tôi ghi nhận Bạc Liêu đã đầu tư rất lớn vào các công trình thuộc lĩnh vực văn hóa. Ở nhiều nơi công cộng được tỉnh treo khẩu hiệu: “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”. Chúng tôi thấy nhiều ý kiến của cán bộ, nhân dân trong tỉnh còn băn khoăn, chưa đồng tình cao về khẩu hiệu này. Xuất phát từ cơ sở và thực tiễn nào lãnh đạo tỉnh nêu quan điểm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa”, thưa đồng chí?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến: Trước hết, phải khẳng định, một địa phương muốn phát triển đi lên, phải khai thác tổng hợp tất cả các tiềm năng, lợi thế của mình. Nhưng trong các tiềm năng và lợi thế đó phải xác định tiềm năng lợi thế gì là chính, cách đi lên phải như thế nào? Suy cho cùng, muốn giàu lên thì kinh tế phải mạnh và phải tùy đặc điểm riêng mà mỗi địa phương có cách đi riêng. Bạc Liêu cũng vậy, muốn phát triển đi lên dứt khoát phải phát triển kinh tế.
Nói Bạc Liêu đi lên từ văn hóa là nói về cách đi lên của Bạc Liêu, cách để kinh tế Bạc Liêu phát triển, tuyệt nhiên không có nghĩa là không quan tâm đến phát triển kinh tế. Trái lại, phải rất quan tâm đến phát triển kinh tế. Điều này, trong ý kiến phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc sáng ngày 25-4-2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã hết sức quan tâm và lưu ý: “Trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế”. Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là xây dựng một nền kinh tế Bạc Liêu mạnh, một Bạc Liêu giàu có là mục tiêu phấn đấu. Mặt khác, một khi kinh tế có hàm lượng văn hóa cao thì sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững…
Xin cảm ơn đồng chí!