Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ

Những năm qua, các địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ xác định ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một giải pháp quan trọng trong tiến trình thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Sử dụng máy sạ cụm và phun thuốc bằng máy bay không người lái tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi).
Sử dụng máy sạ cụm và phun thuốc bằng máy bay không người lái tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi).

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được Đảng và Nhà nước quan tâm thể hiện bằng một loạt các quyết định, nghị định. Cùng với đó, các địa phương vùng Nam Trung Bộ cũng ban hành các quyết định và có các hành động cụ thể triển khai thực hiện chiến lược tại địa phương nhằm nâng cao mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tiến đến cơ giới hóa đồng bộ, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhờ đó, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Đến nay, các địa phương trong vùng đã ứng dụng máy móc, thiết bị trong khâu làm đất đạt hơn 90%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khoảng 80%, khâu gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật khoảng 50%.

Quảng Ngãi là địa phương sớm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phân công lại lao động khu vực nông thôn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, tỉnh đã dồn điền đổi thửa, xây dựng 287 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 5.466 ha. Phần lớn diện tích đất này đều được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó góp phần giải phóng sức lao động nặng nhọc, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Tỉnh cũng thực hiện nhiều mô hình cơ giới hóa như máy cuốn rơm rạ sau thu hoạch, máy xới đất mini cho các huyện miền núi, hải đảo. Nhiều địa phương còn phối hợp doanh nghiệp triển khai mô hình phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái, ứng dụng máy sạ cụm. Điển hình, tại xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, việc ứng dụng phun thuốc bằng thiết bị máy bay không người lái được người dân đồng tình hưởng ứng rất cao. Nếu như năm 2021, diện tích chỉ 10-15 ha/vụ thì đến năm 2023 tăng lên 70 ha/vụ.

Ông Lê Mỹ Sáu, một hộ nông dân tham gia mô hình phấn khởi cho biết: "Phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái rất nhanh, gọn và an toàn. Hơn nữa, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường".

Cũng tại huyện Mộ Đức, hai năm qua, nông dân dần quen và sử dụng khá thuần thục máy sạ cụm để gieo sạ trên diện tích đất canh tác đã dồn điền đổi thửa và liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Đăng Đỏ, một nông dân ở xã Đức Chánh so sánh, sạ lúa theo kiểu truyền thống tốn lượng giống rất nhiều và mất thời gian, sạ cụm tiết kiệm giống, chi phí đầu tư, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh, các địa phương còn chủ động lồng ghép, khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch của sản xuất lúa gạo đã đạt được kết quả khích lệ. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 92%, khâu thu hoạch lúa đạt hơn 95%. Đối với các địa phương thuộc vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh như Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, khâu làm đất và thu hoạch ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gặt đập liên hợp đạt tỷ lệ gần như 100%.

Ngoài ra, người dân còn ứng dụng máy cấy, thiết bị bay không người lái để phục vụ chăm sóc và quản lý các đối tượng sâu bệnh hại. Riêng những vùng liên kết sản xuất lúa giống, ngoài việc ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu làm đất, chăm sóc thì hầu hết các diện tích đều áp dụng công nghệ sấy tiên tiến.

Tại tỉnh Phú Yên, từ nhiều nguồn kinh phí, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã xây dựng nhiều dự án, mô hình trình diễn trên địa bàn toàn tỉnh. Đơn cử, mô hình trình diễn gieo sạ lúa bằng thiết bị bay không người lái tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa giúp chi phí trong khâu gieo sạ giảm 300 nghìn đồng/ha so với gieo sạ bằng tay; mô hình ứng dụng cơ giới hóa sản xuất sắn trong khâu trồng tại huyện Sông Hinh và Tây Hòa, giúp tiết kiệm tổng chi phí lao động là 2,4 triệu đồng/ha so với canh tác thủ công...

Theo đánh giá của các địa phương, hiệu quả lớn nhất của việc áp dụng cơ giới hóa là giảm công lao động với 96,3%, tiếp đến là giảm chi phí sản xuất 79,63%, tăng năng suất 77,78%, tăng chất lượng sản phẩm 69,81%, dần khắc phục sự dàn trải, manh mún, khẳng định tính hiệu quả khi tích tụ ruộng đất để ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất...

Xây dựng thị trường cơ giới hóa

Mặc dù đạt một số kết quả ban đầu nhưng việc ứng dụng cơ giới hóa còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa toàn diện và đồng đều. Máy cơ giới chưa phát huy được hiệu quả cao do hạ tầng kém, ruộng đất manh mún, đường giao thông nội đồng xuống cấp, nhiều nơi không có bờ vùng bờ thửa. Thực tế cho thấy, để giải quyết bài toán cơ giới hóa cho nông nghiệp ở các địa phương vùng Nam Trung Bộ đòi hỏi phải có thời gian, bởi không chỉ liên quan đến vốn, nhân lực và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ mà còn cả điều kiện về hệ thống hạ tầng.

Mới đây, tại diễn đàn khuyến nông "Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, lãnh đạo ngành nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ khẳng định, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là "chìa khóa" để nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp, giảm sức lao động và chi phí đầu tư. Đây là một nội dung quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Vì vậy, các địa phương trong vùng khuyến cáo nông dân mạnh dạn liên kết sản xuất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng quy mô vùng sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh, cơ giới hóa là nền tảng, là cốt lõi để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Do vậy, trước hết, nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy hiệu quả kinh tế đi đôi với môi trường. "Bờ thửa là rào cản lớn nhất cho cơ giới hóa. Vì vậy, người dân hãy phá bỏ bờ thửa, cùng nhau xây dựng những cánh đồng không biên giới, cùng canh tác, chia sẻ lợi ích. Có như vậy mới thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường", đồng chí Lê Quốc Thanh chia sẻ.

Giải pháp mấu chốt theo đồng chí Lê Quốc Thanh là các địa phương phải đẩy nhanh tiến trình dồn điền, đổi thửa, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã để nông dân cùng canh tác trên cánh đồng mẫu lớn. Từ đó, xây dựng thị trường cơ giới hóa và thị trường ứng dụng cơ giới hóa. Hiện, khoảng cách giữa doanh nghiệp dịch vụ cơ giới hóa với người sản xuất vẫn còn, cho nên cần phải kết nối người cung cấp dịch vụ và người ứng dụng lại gần nhau hơn. Bên cạnh việc đưa ra các chính sách phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu xây dựng những tổ dịch vụ cơ giới hóa quy mô vừa phải để người dân ứng dụng đồng bộ trong từng lĩnh vực sản xuất. Đối với tổ dịch vụ phải biết khai thác lợi thế vùng, miền và cùng nhau liên minh để khai thác máy móc hiệu quả.