Là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp và số người làm nông nghiệp lớn, nhưng Hà Nội vẫn là “vùng trũng” về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do đất đai sản xuất của người dân nhỏ lẻ, không tập trung; hạ tầng sản xuất nông nghiệp hạn chế và chi phí đầu tư mua sắm máy móc lớn. Người dân chưa mặn mà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua thành phố Hà Nội tập trung hoàn thành dồn điền đổi thửa đất gắn với quy hoạch lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm máy móc… Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhanh chóng nâng cao, sức lao động của nông dân từng bước được giải phóng.
Đại diện Phòng Kinh tế UBND huyện Thạch Thất cho biết, địa phương sớm đầu tư cơ giới hóa và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Các biện pháp thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã giảm được 15% chi phí, năng suất lúa các vụ tăng từ 10 đến 15% so với phương pháp gieo trồng truyền thống.
Hiện nay, tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch trên địa bàn huyện đạt gần 100%, tưới tiêu đạt 95% diện tích đất canh tác. Năm 2021, huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy máy tại xã Canh Nậu, với quy mô 15.000 khay mạ, diện tích cấy lúa hơn 60 ha.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, hiệu quả cơ giới trong sản xuất nông nghiệp rất rõ ràng. Cụ thể đối với trồng lúa, trung bình một ngày, một máy cấy bốn hàng cấy được một héc-ta, tương đương 30 người cấy lúa bằng tay. Việc sử dụng máy cấy giúp cấy thưa, tạo điều kiện để ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh cũng như ô nhiễm môi trường cho nên lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, tập trung, bông lúa to, dài. Năng suất lúa cấy máy cao hơn cấy tay từ 10 đến 15%.
Đặc biệt, việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân yên tâm đầu tư máy móc, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nhìn chung việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại các địa phương không đồng đều và còn hạn chế. Cơ giới hóa vẫn tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch, trong khi khâu gieo cấy và chăm sóc còn thấp.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", góp phần phát triển nông nghiệp ổn định, chuyển dịch cơ cấu nội ngành và tăng trưởng hằng năm đạt 2,5 đến 3%, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đối với các cây chủ lực đạt từ 15 đến 98%; các ngành hàng nông sản được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Cụ thể, cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 98%, khâu gieo cấy 15%, khâu chăm sóc 60%, khâu thu hoạch (lúa) 95%. Thành phố cũng phấn đấu phát triển 46 tổ, nhóm dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, sản xuất cây màu.
Để hoàn thành mục tiêu phát triển cơ giới hóa, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ trực tiếp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng vay vốn của Quỹ Khuyến nông thành phố, lãi suất vay vốn ngân hàng với thời hạn vay tối đa ba năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tổng kinh phí đầu tư cơ giới hóa hơn 1.760 tỷ đồng.