Cơ cấu lại nền kinh tế tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới

NDO -

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Quang cảnh phiên họp trực tuyến của Quốc hội, chiều 29/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Quang cảnh phiên họp trực tuyến của Quốc hội, chiều 29/10. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10, Quốc hội thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Cải thiện chất lượng tăng trưởng

Theo tờ trình, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng, với 17/22 mục tiêu của kế hoạch đã được hoàn thành. Kết quả thực hiện kế hoạch đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện chất lượng tăng trưởng, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011 - 2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm, nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt; hệ số tín nhiệm quốc gia tăng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã được tập trung triển khai, đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, như cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra, hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn vướng mắc, nhất là vốn ODA, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Cơ cấu lại nền kinh tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới -0

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Những hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt do tác động của dịch bệnh Covid-19 và một số nguyên nhân chủ quan từ hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng nguồn lực chưa cao, định hướng ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng chưa được quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở một số bộ, ngành và địa phương.

Trước bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh.

Kế hoạch đề xuất năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tập trung thực hiện các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,7% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Cơ cấu lại nền kinh tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới -0

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ một số nội dung cụ thể liên quan đến tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ, khả năng thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại các phương án, đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, kết quả khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư dàn trải, manh mún, nợ đọng xây dựng cơ bản, tham nhũng, lãng phí, nguyên nhân chuyển biến chậm và chưa đáp ứng yêu cầu trong đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, nguyên nhân một số doanh nghiệp, dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm…

Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung phát triển đô thị, kinh tế đô thị, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, khai thác triệt để những lợi thế từ các FTA thế hệ mới để thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, bảo đảm tăng trưởng xanh để gắn kết tăng trưởng kinh tế với chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đối với 5 mục tiêu không đạt được theo kế hoạch, cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu này phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch Covid-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp, nhất là việc đánh giá đóng góp của doanh nghiệp vào GDP theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ để thực hiện các mục tiêu đề ra trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời đề nghị tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới.

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, kế hoạch cần tập trung hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Kế hoạch phải gắn với chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng vẫn là trụ cột tăng trưởng nên phải xác định rõ những khó khăn cần tháo gỡ, những nội dung cần cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng tỷ trọng ngân sách nhà nước đưa giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ trở thành nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển.

Cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao chất lượng, tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao năng lực quản trị, điều hành các dự án đầu tư, giải quyết các vấn đề về dự án chậm tiến độ. Cơ cấu lại thị trường lao động phải gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các chương trình, đề án bảo đảm sau khi thông qua được triển khai thực hiện ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV