Trên 40 tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý các trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều tỉnh, thành phố địa phương đã tập trung làm rõ thực trạng, cơ hội và thách thức, quan điểm, định hướng và các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền công nghiệp quốc gia nhằm đáp ứng mục tiêu Đại hội XIII đề ra là vào năm 2030 Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại...
Các ý kiến phát biểu khẳng định công nghiệp đang ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng và có đóng góp lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước, cũng như cho kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Cơ cấu và năng lực công nghệ, quản trị ngành công nghiệp từng bước được cải thiện cả cấp vĩ mô và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, nhìn chung năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; chất lượng nhiều dịch vụ thấp. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu và đổi mới cơ chế quản trị còn chậm. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển.
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao cũng đặt ra nhiều thách thức trong chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Đặc biệt, hội thảo khẳng định, để đạt mục tiêu đó, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền công nghiệp hướng mạnh sang các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ, thông tin, thống kê khoa học và công nghệ. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi cung ứng mới trong công nghiệp…