Chuyện xuất ngoại và bài học “thà làm cá nhỏ trong ao lớn” của Dangda

NDO -

Làm “cá lớn trong ao nhỏ” hay trở thành “cá nhỏ trong ao lớn”, đó là câu hỏi được đặt ra với một cầu thủ trước cơ hội xuất ngoại. Với tiền đạo Thái Lan Teerasil Dangda, chỉ có một câu trả lời.

Teerasil Dangda, cầu thủ Thái đầu tiên ghi bàn tại La Liga và J League. (Ảnh: BangkokPost)
Teerasil Dangda, cầu thủ Thái đầu tiên ghi bàn tại La Liga và J League. (Ảnh: BangkokPost)

Câu chuyện xuất ngoại đang nóng hơn bao giờ hết ở bóng đá Việt Nam. Tất cả đều biết đến lợi ích của việc chơi bóng ở nước ngoài, nhưng với các cầu thủ, đây thực sự là một canh bạc. Họ sẽ phải bỏ lại đằng sau gia đình, cuộc sống ổn định và cả sự nghiệp đáng mơ ước để dấn thân vào một thử thách mà thất bại có thể nhìn thấy trước.

Trong quá khứ, một số cầu thủ đã thử và không thành công, dẫn đến việc một số khác khước từ các đề nghị và chọn ở lại. Vậy Quang Hải, Hoàng Đức có quyết định mạo hiểm khi cơ hội xuất ngoại đã mở ra?

Nếu họ cần thêm cảm hứng, có thể tham khảo câu chuyện của Teerasil Dangda. Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan đang gặt hái thành công nhờ các ngôi sao đang thi đấu ở nước ngoài. Một phần lớn nhờ vào Dangda, người mở đường cho phong trào xuất ngoại. Ngay cả khi vấp phải thất bại cay đắng hoặc thời điểm bước sang tuổi 30, tiền đạo đã ghi 49 bàn cho Bầy voi chiến vẫn đưa mình vào các cuộc phiêu lưu. Anh biết rõ mỗi chuyến đi là một lần mở rộng tầm mắt và trở nên tốt hơn.

Dangda xuất ngoại lần đầu khi mới 19 tuổi. Đồng thời với việc mua Man City, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã đưa những tài năng sáng giá nhất Thái Lan tới Anh. Dangda là một trong ba người, cùng với Suree Sukha and Kiatprawut Saiwaeo. Dĩ nhiên Dangda không có cơ hội ra sân tại Premier League, hoặc cả khi được gửi sang Grasshoppers (Thụy Sĩ) theo dạng cho mượn. Phần vì anh không được cấp giấy phép lao động, phần vì không cạnh tranh được với những cầu thủ châu Âu. 

Thế nhưng Dangda cho rằng, quãng thời gian tập luyện ở Man City thực sự hữu ích. “Nó giúp tôi bước từ cấp độ nghiệp dư lên chuyên nghiệp, mở rộng tầm nhìn và cho tôi nhận thức rõ mình đang đứng ở đâu để cố gắng cải thiện bản thân. Tôi cũng học được cách thích nghi với lối chơi của châu Âu cũng như kỷ luật và tâm lý thi đấu”, Dangda nói.

Trở lại Thai League, Dangda khẳng định vị thế của ngôi sao hàng đầu. Thậm chí cựu tuyển thủ Anh, cũng là đồng đội ở Muangthong, Robbie Fowler, ca ngợi “Teerasil có tất cả những phẩm chất của một cầu thủ lớn, cho phép cậu ấy có thể làm bất cứ thứ gì trên sân”.

Vì Muangthong phát triển theo mô hình châu Âu và luôn cố gắng giới thiệu cầu thủ Thái ra thế giới, Dangda được gửi tới tập luyện ít ngày ở Atletico Madrid. Ngoài việc học hỏi các siêu sao như Radamel Falcao, Dangda còn gây chú ý với Almeria, đội bóng cũng thuộc La Liga. Họ muốn mượn anh.

Vào năm 2014, La Liga được coi là giải đấu số một thế giới, nơi bao gồm Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Neymar, Gareth Bale. Dangda biết rõ những gì đang chờ đợi mình phía trước, nhưng anh nói rằng “nếu không nắm lấy cơ hội này, tôi sẽ tự dằn vặt suốt quãng đời còn lại”. Vì vậy Dangda lại xách balo rời Thái lần nữa.

Dangda sẽ trở thành cầu thủ Thái đầu tiên ra sân ở La Liga ngày 23/8/2014 trong trận đấu với Espanyol, 4 tháng trước khi đá chính lần đầu và ghi bàn vào lưới Real Betis ở Copa Del Rey. Tuy nhiên, những lần ra sân ấy rất hiếm hoi và Dangda cảm thấy bị cô lập. Anh kể: “Mọi thứ dần trở nên tồi tệ khi tôi không hiểu huấn luyện viên nói gì và cũng không biết phải nói thế nào. Lúc trên sân, tôi chạy chỗ, nhưng không nhận được đường chuyền từ đồng đội. Cảm giác tự ti cứ lớn dần lên. Cú sốc lớn nhất là một lần đội bóng tổ chức bữa tiệc cocktail ở sân tập. Tất cả quây quần và nói chuyện rôm rả, ngoại trừ tôi.

Tốc độ trận đấu cũng rất nhanh. Mặc dù nỗ lực rất nhiều trên sân tập, tôi cũng không còn sức để chạy trong hiệp hai. Đó là lúc tôi nhận ra mình không thể chơi trọn vẹn 90 phút”.

Số lần thi đấu của Dangda chỉ dừng lại ở con số 10, hầu hết là vào sân thay người. Anh không còn cơ hội nữa khi Almeria thay đổi huấn luyện viên và vật lộn với cuộc đua trụ hạng. Cuộc phiêu lưu của Dangda kết thúc sau 6 tháng. Nhưng quên đi các con số không mấy ấn tượng, tiền đạo Thái Lan vẫn nói rằng đây là “khoảng thời gian tuyệt nhất sự nghiệp” và “không hối tiếc” bởi học hỏi được quá nhiều.

Dangda không hề nói dối. Anh trở thành chân sút xuất sắc hơn, điềm tĩnh hơn khi trở về, vừa giúp Muangthong thống trị Thai League vừa đưa Thái Lan lên đỉnh Đông Nam Á. Đó là bàn đạp cho chuyến xuất ngoại tiếp theo, lần này là J League, khi anh đã 30 tuổi.

Điều đáng tiếc là hợp đồng cho mượn từ Muangthong tới Sanfrecce Hiroshima chỉ có thời hạn 1 năm. Hiroshima muốn giữ Dangda, người ghi 7 bàn mùa 2018 nhưng không thể. Tuy nhiên, danh tiếng của Dangda đã được xác lập. 1 năm sau, Shimizu S-Pulse mua đứt anh vào năm 2020.

Bây giờ, Dangda đang ở Thai League khoác áo Pathum United. Nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu anh lại xuất ngoại thêm lần nữa. Tiền đạo hiện 33 tuổi vẫn còn nguyên khát khao chinh phục. Anh không thích trở thành “cá lớn trong ao nhỏ” và sẵn sàng đóng vai “cá nhỏ trong ao lớn”. Theo Dangda, có hai con đường để đi, hoặc bỏ qua cơ hội, hoặc nắm bắt ngay khi nó đến. Anh không bao giờ bỏ lỡ thời cơ để đưa mình lên tầm cao mới.