Nếu có dịp ghé thăm Bảo tàng tỉnh Thái Bình, khách thăm quan sẽ thấy ở căn phòng chính giữa trưng bày một chiếc xe ô-tô bốn chỗ màu trắng, biển số EL-6899. Đây là kỷ vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai (1920-2002) sử dụng khi hoạt động trong nội thành Sài Gòn - Gia Định những năm 1963-1968.
Đồng chí Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.Som) là cán bộ cấp Tiểu đoàn, C trưởng biệt động, thuộc Đơn vị 159 biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, sinh ra tại xã Vũ Đông (TP Thái Bình). Nhiệm vụ được trên giao thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là hoạt động trong lòng địch, được Bộ Chỉ huy Quân khu cài vào các cơ quan đầu não của địch như: Dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng), cơ quan viện trợ U.S.O.M của Mỹ, Tòa Đại sứ Mỹ… Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng các cơ sở cách mạng, vận động quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng. Trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Bộ Chỉ huy Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch...
Bức ảnh Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai thời làm quân quản TP Sài Gòn những ngày đầu giải phóng.
Theo lệnh của đồng chí Tư lệnh Trần Hải Phụng, Anh hùng LLVTND, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Trần Văn Lai phải thực hiện “ba hóa”, đó là nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa và hợp pháp hóa (có đầy đủ những giấy tờ của địch) nhằm trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch và tạo điều kiện cho các cán bộ của ta ra vào kiểm tra, trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn. Đóng vai nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng), dùng tên giao dịch là Mai Hồng Quế, đồng thời được tổ chức sắp xếp vào làm việc tại cơ quan viện trợ hậu cần (U.S.O.M) của Mỹ, tại đây Trần Văn Lai thu thập được bản đồ, họa tiết thiết kế xây dựng các công trình cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn phục vụ yêu cầu hoạt động của biệt động Sài Gòn. Thời điểm này, bản đồ toàn bộ hệ thống đường cống ngầm của TP Sài Gòn được Trần Văn Lai lấy và cắt thành nhiều mảnh nhỏ, đánh ký hiệu thứ tự, rồi ngụy trang lại, bọc dưới đệm xe và bánh xe sơ cua ô-tô, dùng xe danh nghĩa nhà thầu khoán của Dinh Độc Lập vận chuyển đưa ra cho các đồng chí ở Quân khu tuyệt đối an toàn. Việc lấy được bản đồ cống ngầm Sài Gòn giúp quân ta luồn lách, trú ẩn và đánh địch. Từ những trận đánh trước Tết Mậu Thân 1968 tới năm 1975, quân ta cũng dùng hệ thống bản đồ này mà chúng không hề phát hiện ra.
Hầm chứa vũ khí tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh, nay trở thành Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Từ năm 1962, tổ chức yêu cầu cần một địa điểm thuận lợi để ém quân, cất giấu vũ khí, chuẩn bị tiến công vào cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, đồng chí Trần Văn Lai đã chủ động bán hai tòa biệt thự ở Phú Nhuận để mua liền ba căn nhà mặt phố đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3. Tại đây, ông một mình đào và xây dựng hầm bí mật, vận chuyển hàng chục tấn đất đá ra khỏi hầm mà địch không hề hay biết. Sau đó, tự lái ba chuyến ô-tô chở vũ khí về hầm, âm thầm cất giấu hơn 2,5 tấn vũ khí tuyệt đối an toàn phục vụ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đánh Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân… Năm 1966, tổ chức lại chỉ đạo Trần Văn Lai tìm gấp căn nhà số 42/82 Nguyễn Văn Thành, Bà Chiểu (nay là Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh) xây dựng một hầm nổi làm căn cứ mật dự bị cho Sở Chỉ huy Tết Mậu Thân 1968. Sau Tết Mậu Thân, địch phát hiện ra địa điểm xuất quân của lực lượng biệt động, đồng chí Trần Văn Lai bị lộ. Lúc này, chính quyền Việt Nam cộng hòa truy bắt gắt gao và treo thưởng hai triệu đồng cho cái đầu của nhà tư sản Mai Hồng Quế. Phần lớn tài sản bị địch tịch thu, ông được lệnh lánh về quê vợ ở Quảng Ngãi tiếp tục hoạt động.
Gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Thái Bình.
Từ năm 1970-1974, Trần Văn Lai hai lần bị địch bắt giam ở Quảng Ngãi, tra tấn dã man nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, không đầu hàng, không khai báo tin tức. Với căn cước giả lấy tên là Phạm Sửu nên địch không phát hiện được tung tích và những cơ sở cách mạng cũng như các đồng chí có liên quan vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Năm 1975, miền nam hoàn toàn giải phóng, ông về công tác tại đơn vị Tiền phương B.12 Bộ Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định, được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, tiếp nhận nhà các sĩ quan và lính ngụy bỏ chạy và Trưởng Ban quản lý Thương xá Tam Đa, một trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn thời đó. Đến năm 1977, đồng chí về công tác tại Phòng Tổng kết chiến tranh, Bộ Tư lệnh thành phố cho đến năm 1981 thì nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy và là thương binh hạng ¼ (tỷ lệ 81%). Năm 2002, ông qua đời do hậu quả của đòn roi trong nhà tù Mỹ ngụy trước đây. Vinh danh tinh thần bất khuất, quả cảm, hy sinh xương máu, cống hiến nhiều tài sản, vật chất cho cách mạng, năm 2015, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Trần Văn Lai.
Hồi tưởng về một thời hào hùng đã qua, bà Đặng Thị Thiệp, vợ Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, cả gia đình mới có điều kiện ra bắc, về thăm quê nội xã Vũ Đông (TP Thái Bình). Năm ấy, cả gia đình ở lại quê ăn Tết. Đó cũng là cái Tết đầu tiên họp mặt đầy đủ cha con, vợ chồng và các cháu… Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông có những thăng trầm, sóng gió nhưng tôi hiểu và tự hào về công việc ông đã làm. Có những lúc bị hiểu nhầm theo địch, có thời gian dài bặt vô âm tín, gia đình không biết đang ở đâu, làm gì, còn sống hay đã chết, đó là những năm tháng không thể nào quên.