Có được như ngày hôm nay là nhờ bác Hoàng Quốc Việt
Ðó là điều người lái xe, nay là Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước nói, khi đến gặp tôi cách đây ba năm. Tháng 10- 1975, trong một chuyến đi công tác Hải Phòng, cùng đi với Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Hoàng Quốc Việt còn có lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Nội chính T.Ư. Công việc khẩn cấp, nhưng chiếc xe tải do anh ta lái cố tình không nhường cho xe ưu tiên gần chục cây số. Ðồng chí công an dẫn đường vượt lên trước yêu cầu dừng xe. Ðồng chí Hoàng Quốc Việt nhắc Công an Hải Phòng quản lý xe và xử lý hành vi phạm luật giao thông của người lái xe.
Ðồng chí Hoàng Quốc Việt có một thói quen, cơm trưa xong dứt khoát phải nghỉ 45 phút, sau đó mới làm việc. Nhưng gần một tuần sau xảy ra vụ việc trên, tôi thấy bác không ngủ trưa, đi lại với vẻ mặt đăm chiêu. Buổi trưa hôm sau đồng chí bộc bạch với tôi: - Hai ngày qua mình mất ngủ cả đêm lẫn trưa, vì cậu lái xe gặp trên đường xuống Hải Phòng. Cậu ta đã có đứa con ba tuổi, vợ không có việc làm lại mang thai đứa thứ hai. Giận cậu ta thật, nhưng thương cô ấy và cháu quá. Thôi thì chiều nay anh xuống làm việc với các đồng chí Hải Phòng cảnh cáo cậu ta và nói rõ vì hoàn cảnh gia đình nên chỉ bị anh xử lý nhẹ.
Gặp tôi, anh lái xe tâm sự "ân hận với việc làm sai trái của mình và biết ơn bác Việt, cho nên tôi đã kiên trì sửa chữa và phấn đấu liên tục để có được ngày hôm nay".
Tôi treo ảnh bác Việt để ngày nào cũng được thấy bác
Ðó là chuyện của đồng chí Năm Ngọc, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, nguyên Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư. Năm 1955, Năm Ngọc tập kết ra bắc và làm công nhân phục hồi đường sắt đoạn Hà Nội - Mục Nam Quan, Lạng Sơn. Khi còn sống, có lần anh kể: Một hôm tôi đang lao động trên công trường thì một ông già có bộ ria đẹp và một số người đến kiểm tra đơn vị, thấy tôi bé nhỏ, gầy gò và nói giọng Nam Bộ, ông ngạc nhiên hỏi: "Chú bé ngại học hay sao mà lại bỏ đi lao động thế này?"
- Thưa bác, con thèm học, nhưng không quen ai để xin được đi học.- Tôi thưa, ông lặng người hồi lâu quay sang:
- Anh Huyên ơi, (Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên), chúng ta biết trả lời thế nào với đồng bào miền nam ruột thịt về trường hợp này? Anh giúp tôi lo cho cháu được học hành nhá! Một tuần sau, tôi được bác Việt cho xe riêng đưa về học ở trường bổ túc công-nông. Do học khá, tôi tốt nghiệp cấp ba loại giỏi và được chuyển thẳng vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Học xong, tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy và sau đó được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô, bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. Tôi treo ảnh bác Việt để nhớ ơn bác như nhớ cha đẻ của mình.
Bức tranh sơn mài
Trước ngày diễn ra Ðại hội Ðảng lần thứ IV năm 1976, đồng chí Hoàng Quốc Việt vào Sông Bé được tỉnh ủy đưa đến thăm một số cơ sở sản xuất tranh sơn mài, thấy anh công nhân đang cặm cụi hoàn tất bức tranh khổ lớn chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðây là bức chân dung Bác rất đẹp. Ðồng chí Hoàng Quốc Việt ngắm nghía hồi lâu. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho biết: Ðây là bức tranh mà anh công nhân tự nguyện làm để tỉnh ủy tặng Ðại hội.
Bác Việt hỏi han cặn kẽ thì biết: Anh là cha của sáu đứa con, hai đứa lớn chưa có việc làm, bốn đứa nhỏ đang đi học, gia đình rất khó khăn. Quay sang tôi, bác Việt bảo đưa toàn bộ số tiền của chuyến đi công tác để bác tặng lại người thợ đã thể hiện tấm lòng mình với Bác Hồ qua bức tranh.
Những ai đã từng giúp việc hoặc tiếp xúc với đồng chí Hoàng Quốc Việt đều có chung một ấn tượng sâu sắc như tôi về một người cộng sản bất khuất, kiên trung, liêm khiết, chân thành, cởi mở với mọi người, đặc biệt là với người lao động, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất đỗi bao dung.