Ngày đầu đến trạm xá vùng căn cứ
Khoảng hai giờ chiều một ngày tháng 3-1967. Tốp dân y vừa đi công tác phong trào dưới đồng bằng Quảng Ngãi về, vai mang nặng, chân mỏi nhừ. Mọi người thả lưng xuống, thở phào. Chị Khiêm ngước lên nhìn thấy một cô gái da trắng bong từ đâu đến. Anh Tâm y tá trạm xá vội vàng giới thiệu rằng có một bác sĩ từ Hà Nội về đây. Chị Khiêm nghĩ trong bụng: cái con bé nào đây đến làm gì giữa vùng đất lửa từng ngày đạn bom rót xuống và máy bay lên thẳng sẵn sàng bốc lúc nào chẳng hay? Trâm cúi đầu chào mọi người và miệng lí nhí cái gì đấy...
Chị Khiêm nhìn người này từ đầu đến chân: Áo xanh sẫm, đầu đội mũ tai bèo, tóc phi-dê và đặc biệt là... da trắng quá.
- Em đi thế nào được từ ngoài bắc vào đây trong khi cái chân chữ bát thế này... em bị ngã là cái chắc?
- Dạ thưa chị, em ngã liên tục đấy ạ! Không còn nhớ nữa, em đi bộ ròng rã ba tháng trời trèo đèo lội suối chẳng thua ai.
Chị em thân quý nhau từ đấy. Khiêm hơn Trâm một tuổi, nhưng chị thầm kính nể cô gái bác sĩ tận Hà Nội vừa mới 23, 24 tuổi đã lặn lội đến miền đất khói lửa Ðức Phổ đầy mùi thuốc súng, chết chóc từng ngày.
Trạm xá lúc này do anh Khả phụ trách, cũng là bác sĩ người Hà Nội. Ðược biết anh Khả cũng đã từng là học trò của bố Thùy Trâm. Về trạm công tác được hơn ba tháng thì Trâm nhận được tin dữ, trong một lần đi công tác xuống đồng bằng, bác sĩ Khả bị máy bay địch hốt luôn, không bao giờ về nữa (sau này đọc báo Tuổi Trẻ thấy anh Khả ủng hộ 1 triệu đồng xây dựng Bệnh viện Ðặng Thùy Trâm, chị Khiêm mới biết hiện anh còn sống ở Cần Thơ - NV). Cấp trên phân công Thùy Trâm làm trạm trưởng. Trong tâm khảm, cô gái Hà Nội này lúc nào cũng kính trọng, nể phục và thương tiếc anh Khả vì từ những ngày đầu về đây đến khi bị bắt, anh là người giúp đỡ, hướng dẫn công việc chuyên môn tận tình cho Trâm, ngoài ra còn có y tá Kỳ, anh là người có kinh nghiệm mổ xẻ nhiều năm ở chiến trường. Họ là đồng đội quý nhất của nữ bác sĩ mới ra trường.
Gọi chị Khiêm là chị Hai nên chuyện gì thầm kín, vui buồn Trâm đều tâm sự với chị. Với mọi người trong trạm xá, ai cũng quý Trâm vì cô gái nhỏ nhắn nhiệt tình này việc gì cũng hăng hái làm đầu, tâm hồn lại trong sáng và sống có lý tưởng. Dù là bác sĩ, phụ trách chuyên môn nhưng với tất cả thương binh, nhất là khi đông thương binh nặng, đêm cũng như ngày, Trâm xông xáo từ việc nhỏ bông băng, rửa, tháo, thoa thuốc, thay băng vết thương... như một y tá thực thụ.
Trạm xá lúc ấy dựng lên toàn bằng gỗ thô mục và tre nứa, tranh rạ. Nên một lần trực thăng địch rà sát bắn tốc cả trần, lột thân nhà ra và lòi cả giao thông hào... Một thương binh trẻ ngồi chịu đạn cho đến khi gục xuống... vì một thương binh là bác sĩ ngồi bên cạnh nói: "Cậu hãy hứng đạn một mình, nếu cựa quậy ra ngoài thì anh em sẽ chết hết? Một mình cậu hy sinh thôi!". Thùy Trâm đã ôm người bạn đồng chí đồng hương Hà Nội của mình mà khóc ngất. Trong một lần gặp hai tên lính Mỹ, chị Khiêm và Trâm đã lừa chúng và thoát nguy, lần đó hai chị em được huyện tuyên dương với thành tích "Giành thương binh trong tay giặc".
Ăn tết Mậu Thân 1968 lần đầu và cũng là lần cuối cùng với Thùy Trâm
Năm 1965, chị Khiêm là cán bộ thanh niên, y tế xã Phổ Cường thoát ly lên cứ, tham gia vào Ban Dân y rồi về trạm xá. Ngoài công việc chăm sóc thương binh ở trạm, hằng ngày chị cùng anh em đảm nhận đi công tác phong trào về cơ sở các xã là chủ yếu. Bởi vì, chỉ đạo của cấp trên là trạm sắp xếp, phân công công tác chuyên môn sao đó cho hợp lý, tất cả cán bộ y tế ở đây phải tập trung đi cơ sở làm công tác vận động quần chúng. Nhiều lần Trâm đề đạt nguyện vọng cho đi cùng chị em, nhưng không được. Bác sĩ Trâm phải trực ở trạm, vì thương binh đông.
Chị Khiêm nhớ lại: "Chúng tôi ăn Tết trước. 28 Tết, Tâm, Phượng, tôi và mấy anh em nữa được bà con cho đủ thứ, nào là bánh nổ, bánh in, bánh dòn, bánh tét, thịt... về trạm xá ăn Tết tối hôm đó. Ngày mai chúng tôi sẽ lên đường tham gia chiến đấu, không biết ai còn, ai mất. Trạm lúc này chỉ còn lại khoảng mười người và bộ đội chủ lực cũng về đây đóng quân. Một cây rừng cắm giữa nhà, mấy lon sữa cắm hoa rừng vào thế là căn phòng bỗng rực rỡ hẳn lên. Chúng tôi đón giao thừa mừng năm mới Mậu Thân 1968 thật hồn nhiên và vui vẻ đến không ngờ. Nhiều anh em thương binh cũng đến góp vui. Chúng tôi hát say sưa. Hát tất cả những bài ca kháng chiến, hào hùng và trữ tình làm cho mọi người phấn chấn. Trâm hát hai bài thật hay và tình cảm: Quảng Bình quê ta ơi và Mùa thu Hà Nội... Lần đầu tiên trong đời cô gái Hà Nội đón giao thừa ở chiến trường sao mà rạo rực, cảm giác lạ thường, hưng phấn bên anh chị em, đồng đội. Trâm đã hòa đồng thật nhanh với tất cả trái tim yêu thương và giai điệu đằm thắm quê hương...
Tôi hát đáp lại bài Chiếc gậy Trường Sơn, còn anh Khương hát bài Bài ca Tây Bắc... không khí đầm ấm, sôi sục tình yêu cách mạng mỗi lúc càng dâng cao".
Ðêm 28 Tết ấy, mọi người nghĩ có thể là buổi gặp mặt cuối cùng. Chiến trường đang ác liệt, giây phút nào cũng căng như dây đàn ở mọi nơi. Họ cứ thế mà chúc nhau điều tốt lành, hát cho nhau nghe tận nỗi lòng, từ trái tim rực lửa đấu tranh. Bởi ở vùng Ðức Phổ sự sống và cái chết từng giây, từng phút. Trâm cầm tay tôi bộc bạch chân tình: "Em không ngờ vào đây gian khổ, chết chóc mà các chị lạc quan, vui vẻ làm cho em thêm yêu cuộc sống, tự tin hơn, càng cảm nhận em càng kính phục các anh, các chị và hấp dẫn em tự lúc nào chẳng hay...!". Những ngày sống bên nhau, càng về cuối hai chị em càng yêu quý nhau hơn. Cho đến một ngày, chị Khiêm có quyết định của Bộ Y tế điều đi học lớp y sĩ tại Trường Y tế Trung Trung Bộ vào tháng 9-1968. Chị chia tay trạm xá và xa Trâm. Ðến tháng 7-1969 chị ra trường và cấp trên điều lên Gia Lai công tác ở Ban Dân y của tỉnh. Sống và chiến đấu bên Thùy Trâm khoảng hơn 18 tháng, bao nhiêu chuyện thầm kín, sướng khổ hai chị em tâm sự nhỏ to với nhau - kể cả chuyện tình yêu của Trâm mang theo suốt cuộc hành trình chiến đấu sau này trở thành ngọn lửa trong con người này. Chị Khiêm tự bạch như độc thoại với chính mình, ánh mắt nhìn xa xăm:
- Nếu không có chúng tôi - bởi là nữ với nhau, hiểu và cảm thông hơn ai hết, nhiều lần đấu tranh cho Trâm vào Ðảng. Tôi đã nói với các anh, các chú lãnh đạo trạm xá trước khi đi học rằng, dẫu sao Thùy Trâm là cô sinh viên trường y mới ra trường, là dân trí thức Hà Nội mới vào chiến trường, sống và chiến đấu hết mình, phấn đấu như thế là tốt. Ðược biết, sau đó Trâm tiến hành làm thủ tục hồ sơ và kết nạp vào Ðảng cuối năm ấy. Lên Gia Lai rồi Thùy Trâm vẫn thường viết thư cho tôi. Lúc ở trạm, hai tập đầu nhật ký Trâm đưa cho tôi giữ. Ðến bây giờ thấy thương nhất là đoạn Thùy Trâm viết vào đến Huế chỉ nhìn một mầu rừng núi xanh um và chợt nhận ra rằng con đã về đến quê mẹ, khi nào về nhà sẽ kể cho mẹ nghe...
Bác sĩ Ðặng Thùy Trâm đã chiến đấu, cống hiến trọn tuổi xuân của mình cho Ðảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và khi nằm xuống bên đồng đội mãi mãi là cánh hoa bất tử ngát hương với thời gian.