Chuyện từ ruộng thuốc lào

NDO - Ruộng thuốc lào nhà ông Thước xanh tốt hơn hẳn các ruộng cùng cánh đồng. Ngày ngày, nhìn những chiếc lá dài to, ông sung sướng nghĩ đến ngày thu hoạch, chắc sẽ năng suất cao và thuốc rất ngon. Ai cũng khen ông có "duyên" trồng thuốc lào. Cái giống này đòi hỏi sự chăm sóc kỳ công như chăm trẻ nhỏ vậy. Người ta phun thuốc trừ sâu diệt nhờn vừa nhanh vừa tiện. Nhưng ông vẫn cần mẫn làm theo phương pháp thủ công cổ truyền. Ông nấu hồ nếp, rồi tỉ mỉ lăn từng chiếc lá cho hết nhờn. Bởi vậy thuốc của ông là thuốc sạch, đến mùa toàn khách quen về mua.

Sáng hôm ấy như thường lệ, ông đi thăm đồng rồi rẽ vào ruộng thuốc lào ngắm cho thỏa chí. Ông không tin ở mắt mình khi thấy nửa sào thuốc  bị phá tan tác. Ông xót xa như đứt từng khúc ruột. Vì sao có kẻ phá ruộng thuốc lào nhà mình? Ông nhớ lại, mấy hôm trước ông bắt được anh em thằng Thắng ở cuối xóm vào bếp nhà ông Hải ở cạnh nhà lấy trộm chiếc mâm đồng, kỷ vật của các cụ để lại. Ông khuyên giải, chúng đã mang trả đồ lấy trộm vào chỗ cũ. Dù ông không mách với ông Hải, nhưng có lẽ chúng để bụng trả thù.

Biết chuyện, anh Sinh con trai ông định đến lôi hai anh em Thắng lên xã làm cho ra nhẽ. Ông kịp ngăn lại:

- Cứ yên tâm, để bố giải quyết !

Là người cùng thôn, ông hiểu rõ gia cảnh  anh em Thắng. Anh Dần bố Thắng vài năm nay đổ đốn, mê đỏ đen hơn làm ruộng. Nhà cứ hở ra cái gì là không cánh mà bay. Các cụ bảo cờ bạc là bác thằng bần quả không sai. Chị Vân vợ anh suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đánh vật với mấy sào ruộng mà không bao giờ được bữa cơm no, nhưng thường xuyên 'no' đòn của chồng. Nhiều vụ vì nợ nần mà phải bán lúa non. Thương cảnh, người thân cho chiếc xe đạp cà tàng, ngày ngày chị lăn lộn khắp nẻo cùng quê làm nghề đồng nát. Rao cả ngày khản cổ, chị chỉ xin nước trắng uống. Nhiều hôm vừa về đến nhà, chị đã bị chồng giật mất túi tiền cả vốn lẫn lãi gần trăm nghìn đồng đi đánh tá lả ở các đám xá. Không người quan tâm, kiểm soát, nghỉ hè rỗi rãi, không người quan tâm, quản lý, anh em Thắng hoàn hoàn tự do. Chúng lang thang chầu ở hàng điện tử đầu làng. Để có tiền chơi game, chúng sinh trộm cắp vặt.

Nghe chuyện, chị bàng hoàng nhận ra rằng chính người lớn đẩy con trẻ đến chỗ hư hỏng. Lâu nay, chị vì lo miếng cơm manh áo, anh thì sa vào tệ nạn xã hội mà quên trách nhiệm làm cha mẹ. Chị xin lỗi ông và hứa sẽ bồi thường thiệt hại. Nhưng ông từ tốn nói:

- Tôi không lấy tiền của anh chị đâu! Chỉ cần các cháu nhận ra sai trái và sửa chữa là được rồi. Anh chị hãy để mắt đến con cái nhiều hơn, chớ để 'bé không vin, cả gãy cành!'. Từ mai, anh chị đến đầm cá của thằng cả nhà tôi mà làm.

Nhờ ông tỉ tê khuyên nhủ mà anh Dần đã thay đổi tính nết. Hai đứa con anh được kèm cặp nên ngoan ngoãn, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Có thu nhập ổn định, cuộc sống của họ khá hơn. Làng xóm ai cũng nể phục cách xử sự cao thượng của ông Thước. Còn vợ chồng anh Dần kính trọng, biết ơn ông như người sinh thành ra mình.