39 năm qua, bà Hoa luôn hỗ trợ chồng mọi việc trong cuộc sống.
39 năm qua, bà Hoa luôn hỗ trợ chồng mọi việc trong cuộc sống.

Chuyện tình cảm động của người thương binh nặng

NDO - Một chiều Đông Hà tháng 7 nắng gắt, chúng tôi tới thăm nhà vợ chồng thương binh ¼ Nguyễn Xuân Tùng và Lê Thị Hoa (khu phố 2, phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) để lắng nghe và cảm nhận câu chuyện tình yêu, tình đồng chí tuyệt đẹp của họ.

Đón chúng tôi bằng sự niềm nở và nụ cười hạnh phúc, ông Tùng bà Hoa vừa trìu mến nhìn nhau, vừa kể cho chúng tôi câu chuyện cuộc đời họ.

“Yêu và lấy anh bởi anh đã vì dân vì nước”

Gặp nhau tại Đoàn điều dưỡng 585 (đóng tại Thanh Hóa), khi đó bà Hoa là nữ hộ lý có nhiệm vụ chăm sóc cho các thương binh nặng ra bắc điều dưỡng và ông Tùng là một trong số họ. Từ tình thương của một người lính, người dân với một người lính đã vì Tổ quốc mất đi một phần cơ thể, bà Hoa luôn chăm sóc rất tận tình cho ông. Có lẽ chính điều đó đã khiến trái tim người lính trẻ Nguyễn Xuân Tùng khi ấy rung động và quyết định ngỏ lời yêu thương. Họ bén duyên nhau từ đó.

Tình yêu người lính thật giản đơn mà đượm nghĩa tình, tuy nhiên họ không nhận được sự đồng ý của bố mẹ bà Hoa, bởi không cha mẹ nào đành lòng để con gái lấy chồng xa quê, càng không tin con mình sẽ hạnh phúc bên người chồng là thương binh nặng. Hiểu được nỗi lòng ấy, kiên quyết với sự lựa chọn của mình, bà Hoa đành rút ruột trải lòng cùng mẹ cha: “Anh Tùng đã cống hiến sức lực vì dân vì nước, ba mẹ cho con lấy anh, sướng con nhờ, khổ con chịu, con sẽ không kêu vất vả”.

Năm 1983, đơn vị tổ chức đám cưới cho ông bà. Mặc dù bố bà Hoa vẫn nhất quyết không chịu đến dự, nhưng với dăm chiếc kẹo và ấm trà nhạt, cùng những lời chúc phúc của mẹ, của chị gái, của thủ trưởng và đồng đội, họ nên nghĩa vợ chồng và quyết tâm cùng nhau viết tiếp câu chuyện đời mình thật ấm áp, hạnh phúc.

Chuyện tình cảm động của người thương binh nặng ảnh 1

Người thương binh tàn nhưng không phế

"Anh Tùng rất giỏi, đa tài, nhiều người đủ chân đủ tay còn không bằng anh. Tôi không bao giờ ân hận vì đã chọn người chồng là thương binh. Tôi hạnh phúc lắm, sướng lắm”. Trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, bà Hoa nhiều lần dành những lời khen như vậy cho chồng.

Từ ánh mắt hạnh phúc của người vợ, từ ngôi nhà tinh tươm họ đang sống cho đến những khóm hoa rực rỡ khoe sắc ngoài sân, chúng tôi dường như cảm nhận được sự khéo léo và chu đáo của người thương binh này.

42 năm trước, trong chiến dịch truy quét quân Pôn Pốt tại Campuchia, cả tiểu đội của ông Tùng vướng phải mìn, nhiều đồng đội đã hy sinh, còn ông bị thương nặng với đôi chân hoại tử. Tỉnh dậy sau khi bị cưa mất đôi chân tại Bệnh viện Quân y 175, nhìn 2 cục bông trắng toát ở đùi, ông Tùng rợn tóc gáy. “Tỉnh dậy, chỉ cảm giác rùng mình, ớn lạnh. Nỗi buồn của người còn sống không lành lặn, cũng đau đớn như khi nhìn đồng đội hy sinh”, ánh mắt đượm buồn, ông Tùng nhớ lại nỗi đau xưa.

Sau đó, ông Tùng được đưa ra bắc điều dưỡng tại Đoàn điều dưỡng 585 và nên duyên cùng bà Hoa tại đây. Cuộc sống những năm đầu chung sống thật nhiều khó khăn. Thương người vợ phải xa quê theo mình về tận vùng nắng gió này, người thương binh ấy quyết tâm vươn lên. Họ rời vùng quê Vĩnh Linh nghèo khó vào Đông Hà lập nghiệp.

Ông kể: “Khi đưa vợ về Vĩnh Linh, thấy vợ không có việc gì làm, cả gia đình chỉ có một nguồn tiền trợ cấp không đủ sống. Về Đông Hà, Nhà nước có chính sách tạo việc làm cho vợ thương binh nên tôi xin cho bà Hoa vào chăm sóc thương bệnh binh tại trại thương binh của tỉnh”.

Chuyện tình cảm động của người thương binh nặng ảnh 2

Những chậu cây được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người thương binh giàu nghị lực.

Nghĩ tới, nghĩ lui cần phải có một nghề để mưu sinh, có thêm kinh tế, thấy người dân chung quanh trồng cây cảnh nhiều, ông nhanh nhạy nảy ra ý tưởng làm chậu cây để mưu sinh. Dù việc di chuyển phải dựa hoàn toàn vào cặp ghế gỗ thấp, đôi nạng hay chiếc xe lăn, đôi tay khéo léo của ông Tùng vẫn ngày ngày cặm cụi cùng vợ con đúc chậu đựng cây cảnh phục vụ người dân trong xóm. Người nọ rỉ tai người kia mà kéo đến mua hàng cho ông bà.

Mới đầu làm chưa quen, chưa đẹp, không làm được hoa văn như nhiều cơ sở quy mô khác. Nhưng cứ dần dần, vợ con hỗ trợ, bàn tay cũng làm tinh xảo hơn. Mỗi ngày, tôi đúc được 6 chậu nhiều loại cỡ, bán lời gấp 3 lần”. Trong giọng nói của ông Tùng ánh lên sự tự hào.

Chiến tranh đã cướp đi đôi chân của ông, nhưng bù lại, ông có đôi bàn tay rất khéo léo và một người vợ yêu thương ông hết mực. Nghề đúc chậu từ đó trở thành nghề chính giúp gia đình ông dần vượt lên gian khó, nuôi 3 con ăn học, trưởng thành.

Theo lời bà Hoa, căn nhà nơi gia đình đang sinh sống cũng do chính bàn tay người lính đa tài ấy thiết kế. Rặng hoa giấy ngoài cổng và những cây cảnh trong sân cũng được vun tưới bằng tình yêu, sự lạc quan và nghị lực của người lính “tàn nhưng không phế”.

Cuộc sống gia đình ổn định, việc to nhỏ nội ngoại hai bên ông Tùng cũng lo chu toàn, nên giờ đây anh em họ hàng đều rất yêu mến và nể phục ông, có chuyện gì cũng tâm sự với ông. Bà Hoa tự hào nhìn ông, đôi mắt ngân ngấn nước mà miệng lại cười giòn tan.

Chuyện tình cảm động của người thương binh nặng ảnh 3

Cặp ghế gỗ thấp và đôi nạng gỗ giúp ông Tùng di chuyển hằng ngày.

Bị cuốn vào những câu chuyện thường nhật cùng tiếng cười không ngớt của đôi vợ chồng “đặc biệt” ấy, chúng tôi như bất giác cảm nhận thật rõ ý nghĩa của “hạnh phúc giản đơn”.

Nhưng khiến chúng tôi nể phục hơn cả là theo lời đồng chí Nguyễn Đức Lộc, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh, Xã hội thành phố Đông Hà, bao năm qua, gia đình ông Tùng đều từ chối nhận mọi đề nghị hỗ trợ xây nhà tình nghĩa từ các đơn vị và dành lại cho các gia đình chính sách khác. Nghe chúng tôi nhắc tới điều này, ông bà khẽ nhìn nhau mỉm cười: “Nhiều người còn gian khổ hơn tôi, tôi có chút kinh tế tạo dựng từ đôi bàn tay, cuộc sống tạm ổn, nên chúng tôi không nhận hỗ trợ”.

Tình yêu, hạnh phúc và bản lĩnh của người lính cụ Hồ theo những nụ cười ấy lan tỏa khắp ngôi nhà.

“Tôi không nghĩ mình được chiều chuộng như thế”

39 năm làm vợ người thương binh nặng, trải qua không ít thăng trầm, nhưng khi được hỏi về cuộc sống của mình, bà Hoa không một lời than thân, trách phận: “Tôi không nghĩ cuộc đời mình được sung sướng, chiều chuộng như thế”. Câu nói khiến ông Tùng khẽ mỉm cười thẹn thùng - sự thẹn thùng xen lẫn hạnh phúc và kiêu hãnh của người đàn ông.

Hai năm sau kết hôn, ông bà không có được mụn con và từng nghĩ sẽ nắm tay nhau như vậy đi trọn cuộc đời. Nhưng rồi, như một sự bù đắp, niềm vui vỡ òa khi lần lượt ba đứa con khỏe mạnh chào đời, trong đó có 2 cậu con trai sinh đôi như phần thưởng cho tình yêu và nghị lực của họ. “Tôi đã từng mơ mình sinh 2 con trai, cho đến khi lần lượt từng bé trai chào đời, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tôi khóc òa vì sung sướng. Vợ chồng tôi đặt tên con là Nguyễn Hữu Hà và Nguyễn Hữu Việt để kỷ niệm cho ngày cháu chào đời tại Bệnh viện Hà Lan”.

Chuyện tình cảm động của người thương binh nặng ảnh 4
Bà Hoa nắm chặt đôi bàn tay chồng và không kìm được nước mắt xúc động

Nắm chặt đôi bàn tay rắn rỏi và xốc vác của chồng, bà Hoa một lần nữa không kìm được nước mắt nhớ lại: “Tôi từng nghĩ sẽ không có con bởi sợ vết thương ảnh hưởng tới anh, nhưng hai vợ chồng đã sinh được bé gái đầu lòng và hai bé trai sinh đôi sau đó. Quá mãn nguyện,chúng tôi chẳng còn ngại chi gian khổ”. Giờ đây, cả 3 người con của ông Tùng, bà Hoa đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và rất hiếu thuận.

Trái với suy nghĩ thường tình về một cuộc sống vất vả trăm bề bên người chồng không lành lặn cùng 3 đứa con thơ, nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên môi bà Hoa qua mỗi lời kể về chồng: “Anh Tùng giỏi lắm, chẳng để tôi làm gì. Mọi việc trong nhà anh đều lo lắng chu toàn. Cuộc đời đúng không lấy đi của ai tất cả. Dù trở về không lành lặn, nhưng anh cho tôi những đứa con khỏe mạnh và một cuộc sống hạnh phúc. 39 năm qua, có nước mắt gian khổ, nhưng không có nước mắt của tủi hờn”. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc sống hạnh phúc mà bà Hoa đã dũng cảm lựa chọn ban đầu.

Anh Tùng giỏi lắm, chẳng để tôi làm gì. Mọi việc trong nhà anh đều lo lắng chu toàn. Cuộc đời đúng không lấy đi của ai tất cả. Dù trở về không lành lặn, nhưng anh cho tôi những đứa con khỏe mạnh và một cuộc sống hạnh phúc. 39 năm qua, có nước mắt gian khổ, nhưng không có nước mắt của tủi hờn”.

Nhớ lại những lúc ốm mệt, đôi tay rắn rỏi của chồng vừa thoăn thoắt điều khiển đôi ghế gỗ di chuyển khắp nhà, vừa khéo léo nấu bát cháo nóng cho vợ, bà Hoa nắm chặt đôi bàn tay có phần thô ráp của chồng, ngắm nhìn giây lát rồi khẽ nói: “Anh Tùng nấu ăn ngon lắm”. Chính sự chu đáo ấy của người đàn ông làm ấm lòng người vợ lấy chồng xa quê, cũng là động lực để người phụ nữ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống vốn chẳng hề phẳng lặng.

Cũng bởi tấm chân tình ấy, bà Hoa chưa một lần to tiếng với chồng, ngay cả khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát đau đớn khiến ông Tùng nóng giận vô cớ. “Những lúc như vậy, tôi lặng lẽ bên cạnh động viên, chăm cho chồng từng quả cam, ly sữa. Không biết phải làm sao”, bà Hoa trải lòng, “khi cơn đau qua đi, anh Tùng lại nói với tôi là: Em thông cảm cho anh, lúc đó máu trong người không còn là máu anh. Lúc ấy, tôi thương anh đứt từng khúc ruột”.

39 năm, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, trải qua mọi gian khổ, thiếu thốn những ngày đầu, từ tình đồng chí, rồi đến thương và yêu, bà Hoa đã dành trọn cuộc đời mình chăm sóc ông Tùng tại ngôi nhà nhỏ ở thành phố Đông Hà. Dù chỉ đi bằng đôi nạng gỗ, ông Tùng đã đưa bà Hoa đi khắp mảnh đất hình chữ S. “Chỉ còn ước mơ đến Hạ Long một lần”, bà Hoa hạnh phúc khoe. Tình yêu của họ cứ nhẹ nhàng như vậy qua từng cử chỉ, lời nói, qua sự thấu hiểu, cảm thông.

Giờ đây, khi cuộc sống đã ổn định, có con có cháu, ông bà chỉ mong ước được một lần gặp lại những người đồng đội xưa tại Đoàn điều dưỡng 585 - “nơi tình yêu bắt đầu”. Mong ước đó không quá xa nhưng cũng chẳng thật gần với ông Tùng, bà Hoa, bởi đơn vị đã giải thể, những đồng đội xưa người còn người mất, mỗi người một phương. Mặc dù vậy, những kỷ niệm về buổi đầu bén duyên, về tình đồng chí, đồng bào nơi phía sau chiến trường ấy sẽ mãi mãi không phai trong tâm trí vợ chồng người thương binh luôn sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

back to top