Chuyện nhà nghèo ra ở riêng

NDO -

Theo kế hoạch, tháng 12-2020, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sẽ đi vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ khám, chăm sóc sức khỏe cho hơn 12 nghìn người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đơn vị mới chỉ bố trí được 26/123 nhân sự theo khung vị trí, việc làm. Thiếu y, bác sĩ, trang thiết bị đầu tư chưa đồng bộ... là những gì đang diễn ra, dự báo nhiều khó khăn khi “nhà nghèo”  đang nỗ lực “ra riêng”.  

Công trình Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh trước ngày đi vào hoạt động.   
Công trình Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh trước ngày đi vào hoạt động.   

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh được thành lập năm 2015 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Dân số và 12 trạm y tế xã trên địa bàn. Sau khi được thành lập, do chưa có Bệnh viện đa khoa nên trung tâm chỉ thực hiện một số nhiệm vụ như thực hiện các dịch vụ liên quan đến y tế dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, quản lý  các trạm y tế xã…, việc khám bệnh, chữa bệnh của người dân chủ yếu được thực hiện tại Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh.

Cùng với quá trình đầu tư, hoàn thiện trung tâm hành chính mới của địa phương, công trình Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh có tổng mức đầu tư 314 tỷ đồng đã được triển khai xây dựng, đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng bao gồm các hạng mục, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho 50 giường bệnh.

So với các địa phương khác, quy mô xây dựng của Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh được đánh giá khá cao ngay từ giai đoạn đầu tư.

Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, cuối năm 2019, UBND huyện Kỳ Anh đã bắt tay vào việc xây dựng bộ khung, cơ cấu vị trí việc làm tại Trung tâm Y tế theo hình thức, cơ chế hoạt động của một đơn vị sự nghiệp công lập.

Tháng 1 năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm và khung năng lực từng vị trí việc làm thuộc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh.

Theo kế hoạch được xây dựng, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh sẽ đi vào hoạt động với 18 khoa, phòng chức năng và được biên chế 123 vị trí, việc làm, trong đó có 32 chức danh quản lý, điều hành, 69 vị trí việc làm gắn với công việc chuyên môn và 22 việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Dương Thị Vân Anh cho biết, nhằm thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng điều kiện đưa Trung tâm Y tế đi vào hoạt động, huyện Kỳ Anh đã ban hành cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao khi đến làm việc tại đây. Theo đó, ngoài những chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện đã đưa ra chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn với từng đối tượng cụ thể, đồng thời huyện đã thành lập các đoàn công tác đến làm việc, mời gọi sinh viên đang theo học tại các trường đại học y khoa trên cả nước về công tác tại huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, địa phương mới chỉ tuyển dụng và tiếp nhận được 10 bác sĩ tình nguyện về công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Cộng với đội ngũ y, bác sĩ cơ hữu trước đây, cả trung tâm y tế huyện mới chỉ có 26 người so với định biên 123 người.

Trước thực trạng thiếu hụt đội ngũ y, bác sĩ, địa phương đã đưa ra hai giải pháp “chữa cháy” trước mắt đó là, đề xuất ngành y tế Hà Tĩnh điều chuyển các y, bác sĩ từ các địa phương khác về công tác tại đây theo hình thức biệt phái, đồng thời luân chuyển các bác sĩ tại các trạm y tế xã lên Trung tâm Y tế huyện công tác. Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo huyện, tính khả thi của hai giải pháp này không cao. Thứ nhất, hiện nay các đơn vị y tế trên địa bàn đã hoạt động theo cơ chế tự chủ, việc điều chuyển người lao động từ đơn vị này sang đơn vị khác rất khó. Thứ hai, theo tiêu chí nông thôn mới, các trạm y tế phải có bác sĩ, việc điều chuyển bác sĩ ra khỏi địa bàn đồng nghĩa với việc địa phương đó không đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới, đó là chưa kể đến việc hiện nay các trạm y tế vùng nông thôn cũng có nhiều việc chuyên môn phải xử lý.

“Cực chẳng đã”, huyện Kỳ Anh chủ trương giảm 18 khoa, phòng  tại trung tâm y tế xuống còn 12 khoa, phòng bằng cách ghép các khoa có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ chuyên môn.

“Với những gì đang diễn ra, rất khó để đưa trung tâm đi vào hoạt động một cách đồng bộ, trước mắt chúng tôi sẽ đưa những khoa phòng đủ điều kiện vào hoạt động trước”. Ông Lê Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế Kỳ Anh cho biết.

Mặc dù đang nỗ lực và quyết tâm sớm đưa trung tâm y tế huyện vào hoạt động, tuy nhiên theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Hoan, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ hiện nay địa phương chưa tìm được con người cụ thể để đảm nhiệm các vị trí theo bộ khung nhân sự đã được phê duyệt. Cụ thể, chín các khoa, phòng chủ chốt chưa có người đảm nhiệm. Việc bổ nhiệm các vị trí quản lý và chức danh chuyên môn cần có thời gian đào tạo, giấy phép hành nghề nên không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.

Bên cạnh những khó khăn trên, theo phản ánh của lãnh đạo huyện, tiến độ, chất lượng một số hạng mục của dự án xây dựng Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh vẫn chưa bảo đảm. Vì vậy, thời gian bàn giao công trình bị trì hoãn. “Thêm vào đó, nguồn lực dành cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh còn khiêm tốn, cá biệt, một số trang thiết bị, máy móc hỗ trợ cần thiết như chụp cắt lớp, giàn mổ nội soi…chưa có, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khám chữa bệnh cũng như công tác thu hút nguồn nhân lực”. Giám đốc Trung tâm Y tế Kỳ Anh, Lê Văn Xuân cho biết thêm.

Theo chia sẻ của nhiều người trong cuộc, do “ra riêng” trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ quyết liệt, thực chất của ngành y tế và tỉnh Hà Tĩnh, chưa biết đến bao giờ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh mới hoàn chỉnh được hình hài, chức năng như kỳ vọng ban đầu?