Phá núi làm... kinh tế :

Chuyện ngọn núi Bà Tài

NDO -

NDĐT- Gần đây, tại Kiên Giang rộ chuyện chính quyền tỉnh lấy ý kiến cấp phép hay không cấp phép khai thác núi Bà Tài cho một doanh nghiệp có trụ sở cách nơi xin khai thác gần hai nghìn km. Nghe lạ, tôi về Kiên Lương - nơi có ngọn núi đá vôi “bỗng dưng nổi tiếng” Bà Tài - tìm hiểu.

Nếu mai này hết núi  

Núi Bà Tài, bỗng dưng nổi tiếng.
Núi Bà Tài, bỗng dưng nổi tiếng.

Bộ làm rối tỉnh

Chuyện lùm xùm quanh núi Bà Tài xuất phát từ Công văn số 41, ngày 2-10-2012 của Bộ Xây dựng về việc khai thác mỏ đá vôi núi Bà Tài của Công ty TNHH Hương Hải (Hà Nội).

Nội dung công văn cho biết, tại Quyết định số 45, ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch cho Công ty TNHH Hương Hải đầu tư một cơ sở sản xuất vôi quy mô công nghiệp với nguồn nguyên liệu đá vôi từ núi Nhỏ, Lò Vôi Lớn, Túc Khối (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).

“Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - công văn ghi - mỏ đá vôi núi Bà Tài tại ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang chưa được quy hoạch thăm dò, khai thác để làm vật liệu xây dung của cả nước”.

Hóa ra, công ty Hưng Hải nào đó đã được cấp phép khai thác ba quả núi, nhưng tiếp tục xin phá thêm núi Bà Tài - quả núi nằm ngoài quy hoạch khai thác của trung ương nhưng lại nằm trong quy hoạch bảo tồn của địa phương.

Lầm chăng, không có tên trong các quy hoạch Bộ liệt kê, nhưng văn bản xin khai thác của Công ty Hương Hải, Bộ Xây dựng vẫn công văn chuyển để UBND tỉnh Kiên Giang hướng dẫn xem xét cấp phép hoạt động khoáng sản mỏ đá vôi núi Bà Tài” ?

Điều này đã làm cho địa phương rối cả lên. Tại cuộc họp về núi Bà Tài do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Nam chủ trì, ông Nguyễn Xuân Lộc, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thừa nhận, núi Bà Tài nằm trong khu vực quy hoạch cấm khai thác khoáng sản của tỉnh, nhưng nếu dự án khai thác hết công suất có thể đóng góp cho tỉnh 100 tỷ đồng/năm nên đề nghị cho khai thác vì “bảo tồn cũng cần, mà tiền cũng rất cần”.

Ông Lê Khắc Ghi, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư lại lo doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, “tỉnh cấp chứng nhận đầu tư đến 50 năm khai thác ba mỏ đá vôi ở ba núi, nhưng theo tính toán của doanh nghiệp, ba mỏ đá này chỉ đủ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động khoảng bảy năm” nên đề xuất giao thêm núi Bà Tài.

Khi đó, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phản đối với lập luận, “khai thác tỉnh cũng không thu được bao nhiêu tiền. Không khai thác tỉnh cũng không nghèo hơn”.

Thiết nghĩ, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Hương Hải thời hạn 50 năm với công suất có thể đạt một triệu tấn/năm tại ba quả núi đã nói, các cơ quan công quyền của tỉnh Kiên Giang đã có tính đến chuyện thừa thiếu nguyên liệu sản xuất của danh nghiệp hay không? Lý ra, các sở chuyên ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rõ nhất! Hay đó chỉ là cớ “tự hớ” làm cơ sở cho doanh nghiệp tiếp tục xin giao thêm núi Bà Tài và các sở cũng dựa cớ để đề nghị UBND tỉnh cấp phép thêm một núi đã có quy hoạch bảo tồn?

Ngọn núi cần được bảo vệ vĩnh viễn

Trong khi các cơ quan tham mưu địa phương tranh cãi, thì  nhiều nhà khoa học nước ngoài tỏ ra quan ngại.

GS Herbert H.Covert - Chủ tịch Đại học Colorado (Hoa Kỳ) - gửi thư cho Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi, cho biết, ông đang cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu bảo tồn quần thể voọc bạc Đông Dương quý hiếm tại khu vực núi đá vôi Hòn Chông, Kiên Lương.

“Hai trong số bốn ngọn núi nơi loài này cư trú hiện đang được khai thác, những động vật này sẽ cần phải được di chuyển trong tương lai gần và núi Bà Tài là một trong những địa điểm có thể là nhà cho chúng. Tôi khẩn thiết mong các bạn tiếp tục là một đối tác xuất sắc trong việc giúp bảo tồn di sản thiên nhiên giàu có của Kiên Giang bằng cách bảo vệ toàn bộ núi Bà Tài...”, GS Herbert H.Covert đề nghị.

Tương tự, ông Jake Runner - điều phối viên của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam - cho rằng, Bà Tài là một trong số ít núi đá vôi còn nguyên vẹn cuối cùng ở khu vực Hòn Chông, Kiên Lương và là một phần trong chuỗi núi đá vôi được biết đến trên toàn thế giới về sự đa dạng sinh học. IUCN kêu gọi chính quyền tỉnh Kiên Giang hãy bảo vệ vĩnh viễn núi Bà Tài.

Cuối tháng 12 năm ngoái, hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, Việt Nam” tổ chức tại Phú Quốc, đã chứng kiến tranh luận nảy lửa giữa các nhà khoa học và lãnh đạo địa phương chung quanh việc bảo tồn và khai thác hệ thống núi đá vôi trên địa bàn tỉnh, chủ yếu ở Kiên Lương.

Các nhà khoa học cho rằng, xây dựng các nhà máy xi-măng là sai lầm lớn khi tiêu diệt các núi đá vôi. Kinh tế vẫn phát triển, đời sống vẫn tiến lên, nhưng môi trường phải bảo vệ, không thể phát triển du lịch sinh thái song song với quá trình phát triển công nghiệp nặng. Nếu như hệ sinh thái núi đá vôi sụp đổ, nguồn tài chính từ khai thác đá vôi có bù đắp được không? Sắp tới có tiếp tục khai thác núi đá vôi không? Phương án nào cho việc bảo vệ hệ sinh thái núi đá vôi?

“Hiện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã nhất quán không khai thác bất cứ núi đá vôi nào nữa. UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Sở Khoa học Công nghệ xây dựng đề án bảo tồn núi đá vôi”- ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã trả lời tại hội thảo.

Chuyện ngọn núi Bà Tài ảnh 1

Hang Bà Tài, nếu được chăm sóc sẽ thu hút du khách.