Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 cam kết đảm bảo môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động

NDO - Sáng 20/5, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo cung cấp các nội dung liên quan việc thi công tuyến ống ngầm thoát nước đã qua xử lý của Nhà máy Bột-Giấy VNT19 .
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 trình bày sơ đồ công nghệ xử lý nước thải của dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19, cam kết đảm bảo môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động.
Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 trình bày sơ đồ công nghệ xử lý nước thải của dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19, cam kết đảm bảo môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động.

Dự án đầu tư Nhà máy Bột-Giấy VNT19 (giai đoạn 1, công suất 350.000 tấn bột giấy/năm) do Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 làm chủ đầu tư, được xây dựng tại thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với tổng diện tích khoảng 117ha.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 trình bày sơ đồ công nghệ xử lý nước thải của dự án. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải của dự án được thiết kế với công suất 50.000m3/ngày đêm. Nhà thầu AQUAFLOW của Phần Lan (lớn nhất thế giới về xử lý nước thải) là đơn vị thiết kế, thi công mới 100% hệ thống xử lý nước thải.

Các thông số nước sau khi được xử lý sẽ đạt và tốt hơn quy chuẩn cho phép của QCVN 12-MT:2015/BTNMT (cột B2, Kf-0,9, Kq-1,3) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.

Đây là công nghệ sản xuất tiên tiến, phổ biến của thế giới hiện nay giúp tiết kiệm hóa chất, giảm phát sinh nước thải. Ngoài ra, Công ty còn bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, phương án giám sát việc xả nước sau xử lý.

Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 cam kết đảm bảo môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động ảnh 1

Ảnh vệ tinh tuyến ống thoát nước thải đã qua xử lý của Nhà máy Bột-Giấy VNT19.

Về hướng tuyến thoát nước thải đã qua xử lý của dự án được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thống nhất tại Công văn 752/UBND-CNXD ngày 19/2/20216 và phù hợp hướng tuyến đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT ngày 7/9/2015.

Đối chiếu với quy định pháp luật hiện nay, để dự án đi vào vận hành thì phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường (việc cấp phép sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập hội đồng gồm các chuyên gia và cơ quan quản lý xem xét).

Sau khi dự án đi vào hoạt động, nước thải đã qua xử lý của dự án trước khi xả thải ra môi trường phải thực hiện quan trắc, giám sát tự động và có camera giám sát truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp và liên tục.

Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 cam kết đảm bảo môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động ảnh 2

Quang cảnh buổi họp báo.

Để bảo đảm tính khách quan, thời gian qua, Công ty còn phối hợp Viện Hải dương học và Viện Khoa học Tài nguyên nước thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xây dựng mô hình xả nước đã qua xử lý, đánh giá khả năng tiếp nhận và sức chịu tải của vịnh Việt Thanh; phối hợp Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức phản biện về hệ thống xử lý nước thải đã qua xử lý, đường ống xả nước thải đã qua xử lý của dự án với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong khu vực dự án.

Theo đó, Viện Hải dương học nhận định, vịnh Việt Thanh có khả năng dung hòa các chất ô nhiễm sau khi được xử lý, chỉ số khả năng tiếp nhận và sức chịu tải vịnh Việt Thanh trước và sau khi Nhà máy Bột-Giấy VNT19 hoạt động không biến động nhiều. Vị trí tiếp nhận xả nước đã qua xử lý càng xa bờ thì có lợi cho môi trường, tuy nhiên vị trí cách bờ 1.195m là phù hợp nhất cho nhà máy, phù hợp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (vị trí cách bờ biển từ 500-1.500m).

Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá dự án thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các hạng mục trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; kỹ thuật và công nghệ được sử dụng và theo cam kết của chủ đầu tư, cùng sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như người dân thì phương án xả nước thải đã qua xử lý của nhà máy ra vịnh Việt Thanh là khả thi.

Với việc thực thi đầy đủ thủ tục pháp lý; cơ sở khoa học về công nghệ và hướng tuyến thoát nước thải đã qua xử lý; kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học và Viện Khoa học Tài nguyên nước; kết quả tư vấn, phản biện do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi tổ chức và đối chiếu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện nay, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 cam kết:

Sẽ thiết kế và lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý mùi bổ sung tại vị trí bể trộn tiếp nhận.

Đầu tư nâng cấp phân xưởng xử lý nước đã qua xử lý theo lộ trình để tiến tới đạt tiêu chuẩn cột A.

Phối hợp chính quyền và cơ quan quản lý địa phương tổ chức cho người dân giám sát hoạt động xử lý nước thải và xả nước đã qua xử lý của nhà máy; bảo đảm hoạt động xả nước đã qua xử lý của nhà máy không ảnh hưởng đến khu vực bãi tắm, vùng đánh bắt hải sản của người dân.

Dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường.

Bảo đảm an sinh xã hội, bố trí việc làm phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người dân địa phương và phát triển vùng nguyên liệu bền vững, góp phần giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, gia tăng giá trị kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi.

Công ty cổ phần Bột-Giấy VNT19 cam kết đảm bảo môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động ảnh 3

Đến thời điểm này, Nhà máy Bột-Giấy VNT 19 đã thực hiện đạt 85% khối lượng công việc.

Được biết, đến đến thời điểm hiện tại, khối lượng công việc của dự án đã thực hiện đạt khoảng 85%.

Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy Bột-Giấy VNT19 sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm và bằng khoảng 55%-60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất, góp phần giảm việc xuất thô dăm gỗ, gia tăng giá trị trồng rừng, sản xuất, tạo sự ổn định, ít phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nguyên liệu dăm thô khi giá dăm biến động. Đặc biệt, người dân trồng keo tại địa phương sẽ có đầu ra ổn định, giá bán sẽ cao hơn do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngoài việc thu hút từ 800 đến 1.000 lao động tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, dịch vụ gián tiếp cho hàng nghìn lao động khác, nhà máy dự tính đóng góp vào ngân sách địa phương mỗi năm từ 800-1.000 tỷ/năm.