Hiệp ước Xanh: Hành trình nhiều gian nan

Việc thực hiện Hiệp ước Xanh ở châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do lo ngại về tác động kinh tế và sự phản đối từ một số ngành. Tuy nhiên giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) khẳng định Hiệp ước Xanh vẫn là ưu tiên hàng đầu của khối và liên minh sẽ “linh hoạt trong cách thức thực hiện” hiệp ước này.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu, khi mức tăng của nhiệt độ toàn cầu so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp đã vượt giới hạn 1,50C được đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK), ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ “bào mòn” 17% GDP kinh tế toàn cầu. Tổn thất cho canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sản lượng kinh tế và y tế do biến đổi khí hậu ước tính lên tới 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Hầu hết các khu vực trên thế giới đều chịu tổn thất và thiệt hại, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Á và châu Phi. Ông Gentiloni khẳng định: “Chúng tôi không hối tiếc về quyết định đưa Hiệp ước Xanh trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ của Chủ tịch EC cách đây 4-5 năm”.

Ông Gentiloni nhận định như vậy trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tác động kinh tế của Hiệp ước Xanh. Nông dân ở một số quốc gia thành viên EU đã biểu tình phản đối các quy định môi trường mới, và tương lai của Ðạo luật Phục hồi thiên nhiên vẫn chưa chắc chắn. Do vậy, EU sẽ linh hoạt trong cách thức thực hiện Hiệp ước Xanh. Ông cho biết, có thể xem xét điều chỉnh tốc độ chuyển đổi và các chính sách cụ thể, thí dụ như ở lĩnh vực nông nghiệp.

Nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của người nông dân trên khắp Lục địa già, gần đây Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua đề xuất nới lỏng một số yêu cầu về môi trường gắn liền với các khoản trợ cấp của EU dành cho nông dân. Ðề xuất mới sẽ quy định, nông dân không cần phải để lại 4% diện tích đất canh tác để hỗ trợ đa dạng sinh học và có thể trồng đa dạng các loại cây thay vì luân canh. Các quốc gia có thể miễn trừ đối với những trường hợp gặp khó khăn trong việc thực hiện quy định mới hoặc khi thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra, các trang trại có diện tích dưới 10 ha cũng sẽ được miễn kiểm tra hoặc miễn phạt nếu vi phạm quy định.

Trước đó, nông dân tại nhiều nước từ Pháp tới Ba Lan đã tiến hành biểu tình và bán phá giá sản phẩm do không đồng thuận với những yêu cầu mà họ cho là quá mức về môi trường cũng như vấn đề hàng nhập khẩu giá rẻ. Các cuộc biểu tình gây lo ngại cho giới lãnh đạo EU khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở Lục địa già vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, các nhà lập pháp và các nhà vận động vì môi trường đã chỉ trích việc nới lỏng các quy tắc xanh là vội vàng và không có lợi cho nông dân châu Âu, những người đang phải đối mặt áp lực gia tăng do thời tiết khắc nghiệt vì biến đổi khí hậu.

Hiệp ước Xanh còn đối mặt với khó khăn trong huy động nguồn tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận gần đây về các quy tắc ngân sách mới của EU báo hiệu sự quay trở lại của chính sách “thắt lưng buộc bụng”, có thể cản trở các nỗ lực đầu tư cho Hiệp ước Xanh. Tuy nhiên, ông Gentiloni nhấn mạnh rằng cần có hàng tỷ euro mỗi năm để thực hiện các mục tiêu môi trường và kỹ thuật số của EU. Ông kêu gọi các quốc gia thành viên thống nhất về cách thức huy động vốn cho những dự án này. Ông cảnh báo: “Hiệp ước Xanh sẽ không thành công nếu chúng ta không sẵn sàng đầu tư vào đó”.

Là nền kinh tế đầu tàu châu Âu, Ðức kêu gọi các nước tăng cường đóng góp cho việc bảo vệ khí hậu. Thủ tướng Ðức Olaf Scholz đánh giá nước Ðức đang đi đúng hướng trong việc giảm lượng khí thải và mở rộng năng lượng tái tạo. Trong năm 2023, lượng phát thải khí nhà kính ở Ðức giảm gần một nửa so với năm 1990; năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng được mở rộng mạnh mẽ, dù vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ông Olaf Scholz kêu gọi các quốc gia thải ra nhiều CO2 cần chi trả nhiều hơn cho các nỗ lực bảo vệ khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các quốc gia khác.

Chính phủ Ðức sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các nước nghèo và những nước đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết phát triển hơn nữa các thể chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác. Ông cho rằng các thể chế này cũng sẽ phải được thúc đẩy để các khoản đầu tư trong tương lai phù hợp với các mục tiêu về khí hậu. Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu chỉ có thể thành công khi có đủ đầu tư tư nhân vào năng lượng và công nghệ thân thiện với môi trường.

Sự gian nan trong triển khai Hiệp ước Xanh như trên cho thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Lục địa già nói riêng, trên toàn cầu nói chung luôn đối mặt nhiều thách thức bởi quá trình chuyển đổi xanh đòi hỏi một số ngành kinh tế phải “hy sinh” lợi ích vì mục tiêu chung. Tuy nhiên, dù gian nan đến đâu, các nhà lãnh đạo châu Âu có lẽ vẫn sẽ kiên định triển khai hiệp ước. Bởi vì, chỉ có nỗ lực và quyết tâm thực hiện cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn Trái đất ấm lên như mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã xác định, các nước trong “đại gia đình EU” mới bảo vệ được hành tinh xanh cũng như bảo vệ ngôi nhà chung của chính mình.