Chuyện làm sạch ở Thủ đô Tokyo

Trước hết về hạ tầng đô thị, các tòa nhà dù là văn phòng, khách sạn hay chung cư, bao giờ cũng được thiết kế một đường ống xả rác. Từng tầng đều có cửa để khi cần chỉ đẩy nhẹ sang một bên là có thể xả rác, các túi rác theo băng chuyền rơi vào các thùng chứa đặt ở phía dưới tầng ngầm.

Ông Mi-dư-ô-đa, kiến trúc sư của tập đoàn NIHONSIKAY cho chúng tôi biết: "Việc thiết kế các đường ống để vận chuyển rác trong các tòa cao ốc là điều kiện bắt buộc phải có khi thiết kế bất cứ công trình xây dựng nào ở Nhật Bản".

Dẫn chúng tôi đi thăm các khách sạn 5, 6 sao ở Tokyo như MADAZIN NIKO, các tòa tháp văn phòng ở khu Tài chính Thương mại GINZA, các chung cư cao tầng ở khu SINZUCƯ do tập đoàn NIHONSIKAY thiết kế và thi công, chúng tôi đều tận mắt trông thấy người Nhật Bản đã vận dụng sáng tạo ý tưởng không còn ai phải vứt rác ra đường, ra nơi công cộng nữa.

Trò chuyện với đồng chí Phạm Phú Bình, Ðại sứ nước ta tại Nhật Bản, đồng chí cho biết: "Nền giáo dục, nền nếp gia đình đã tạo cho người dân từ già đến trẻ có một thói quen hễ có rác là tìm thùng để vứt vào. Không một ai ném, vứt rác ra đường, ra nơi công cộng".

Ở các địa điểm tham quan như Hoàng Cung, đền thờ, siêu thị, ngay các lối đi, bao giờ cũng được đặt các thùng chứa rác với ba ngăn: Rác là kim loại như vỏ hộp, rác thủy tinh (vỏ chai) và rác thải khác (hộp, túi ni-lông, giấy lộn). Và người dân cũng nghiêm túc bỏ rác vào từng ngăn. Giúp cho việc phân loại, tái chế được thuận lợi, nhanh chóng. Ở các khu dân cư, xe gom rác đi tua mỗi ngày hai lần vào 6 giờ sáng và 18 giờ tối, các gia đình để rác đã đóng vào túi ni-lông ở trước cửa nhà, gốc cây, cột điện gần ngã ba, ngã tư. Chỗ tập kết rác nào có lượng túi đựng rác lớn thì bao giờ cũng có một cái lưới to trùm lên, đề phòng rác bay hoặc rơi ra ngoài.

Ở bên trong các công viên, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy các cụ ông, cụ bà 70, 80 tuổi, cặm cụi đi nhặt rác. Việc thu gom rác được thực hiện vào lúc nửa đêm. Trên đường ra sân bay NARITA, qua cầu vồng bắc qua vịnh Tokyo một đoạn là nhìn thấy nhà máy chế biến rác thải của thành phố Tokyo. Nhà máy cao, to như một tòa nhà 20 tầng, mỗi ngày chế biến và tiêu hủy hơn 10 nghìn tấn rác. Ðiều đáng nói là nhìn lên miệng ống khói của nhà máy, không hề thấy khói đen bốc lên, chứng tỏ các loại chất độc hại đến đó cơ bản được xử lý trước khi xả lên trời.

Chuyện làm sạch ở Tokyo cũng đáng để mỗi người chúng ta suy ngẫm, có thể học tập và làm theo.

      TIẾN PHÚ