Tiền Giang mở rộng vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn

Tiền Giang mở rộng vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn

Ðặc sản trái ngon

Ở khắp Nam Bộ không đâu có vú sữa ngon bằng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (LRVK). Khác với các loại vú sữa tím, vú sữa vàng..., vú sữa LRVK trái to tròn, mầu xanh ngà, vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt lịm, dòng nhựa trắng đục như sữa và thoang thoảng hương thơm. Chính đặc điểm hấp dẫn này đã tạo cho giống sữa LRVK tồn tại và nổi tiếng trên thị trường hơn bảy mươi năm qua.

Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Thành Lê Văn Ri, cho biết: Nguồn gốc cây vú sữa LRVK thực chất có xuất xứ tại ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng - vùng giáp ranh với xã Vĩnh Kim vào khoảng năm 1932. Người tạo ra giống sữa này là ông Lê Văn Kỳ. Vào thời điểm đó, ông Kỳ gieo hai hạt giống vú sữa cạnh một cơ sở lò rèn (chuyên làm các công cụ thủ công như dao, rựa, cuốc, xẻng...), cây vú sữa phát triển nhanh và tốt, nhưng khi cho trái ông Kỳ chỉ chọn được một cây cho trái tốt. Ðến năm 1942, ông Kỳ chiết giống vú sữa này cho những người thân của mình ở Vĩnh Kim trồng, như ông Võ Phát Thanh, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Minh. Từ đó đến trước năm 1975, cây vú sữa Lò Rèn được người dân Châu Thành chú ý trồng tập trung tại các xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Song Thuận, Kim Sơn... nhưng diện tích cũng chỉ khoảng 160 ha. Khi giới thiệu loại trái ngon này thương lái chỉ nói gọn là vú sữa Lò Rèn.

Cũng từ đó, thương hiệu vú sữa LRVK nổi tiếng trên thị trường dù chưa được quan tâm đăng ký thương hiệu.

Mở rộng vùng chuyên canh

Hằng năm từ tháng 10 (âm lịch), cây sữa LRVK bắt đầu cho trái, đến trước Tết Nguyên đán thì cho trái rộ và kéo dài đến hết tháng tư năm sau. Tuy nhiên, năm nay cây vú sữa LRVK lại cho trái sớm hơn một tháng. Khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 (âm lịch) thì trái sữa LRVK đã có mặt trên thị trường. Những nhà nông có vườn vú sữa cho trái sớm đều phấn khởi vì trúng giá đậm. Vú sữa đầu mùa thương lái tại chợ Vĩnh Kim thu vào đến 15 nghìn đồng/trái, bình quân từ 140 nghìn đến 160 nghìn đồng/chục (chục 14 trái).

Ðến thời điểm hiện nay, cây vú sữa bắt đầu cho trái rộ, giá vú sữa theo đó cũng liên tục giảm, chỉ còn bình quân 32 nghìn đồng/chục. Tuy nhiên, theo chị Lê Thị Phú - nhà vườn ở xã Long Hưng cho biết, giá này vẫn ổn định và cao hơn năm rồi vì năm nay sản lượng vú sữa thấp hơn mọi năm, nguyên nhân chính là do cơn bão số 9 vừa qua làm cho một số vườn vú sữa trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch rụng trái khá nhiều.

Đến nhà anh Dương Anh Hào, ấp Ðông Hòa, xã Song Thuận - một trong những vườn vú sữa LRVK năm nay cho trái sớm, anh Hào cho biết: Năm nay vườn tôi nhờ áp dụng biện pháp tạo tầng, tỉa nhánh và  bao trái nên cho trái sớm, chất lượng lại tốt nên rất được giá: 15 nghìn đồng/trái. Tổng thu nhập ba công vú sữa (60 cây) bốn năm tuổi của tôi năm nay là hơn 30 triệu đồng.

Anh Hào cho biết thêm, ở Song Thuận tất cả nông dân đều chuyên canh cây vú sữa LRVK. Vì cây vú sữa ngoài việc thích nghi với vùng đất này, ít tốn công chăm sóc mà nhiều năm nay giá vú sữa tương đối ổn định so với một số loại cây trồng khác.

Thật vậy, theo Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Thành Lê Văn Ri thì vú sữa là loại cây có tuổi thọ khá cao (cả trăm năm), cho năng suất bình quân từ 15 đến 20 tấn/ha.

Theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nông dân trồng vú sữa một ha cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng đối với những vườn chăm sóc tốt, cây từ bảy năm tuổi trở lên.

Ông Lê Văn Bánh, ấp Ðông, xã Kim Sơn với hơn ba mươi năm chuyên canh cây vú sữa LRVK là một điển hình. Ông Bánh nói: Tôi có 1,5 ha trồng vú sữa LRVK. Nhờ nhiều năm chuyên canh, tôi đã tích lũy không ít kinh nghiệm và hiểu được "tính tình" cây vú sữa LR. Do vậy, các năm gần đây vườn vú sữa tôi đều cho trái sớm, thu hoạch sản lượng cao mà được giá. Năm rồi 1,5 ha sữa cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm nay đến thời điểm này vườn tôi cũng đã thu hơn 100 triệu rồi. Nhờ vú sữa mà gia đình tôi đã mua thêm đất vườn, mở được đại lý bán phân bón và đặc biệt là xây được một ngôi nhà mới khang trang.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Với lợi thế của thổ nhưỡng ở mạn nam Châu Thành rất thích hợp cho cây vú sữa LR phát triển, đồng thời được sự quan tâm của tỉnh đưa cây vú sữa LR vào danh mục giống cây trồng đặc sản có giá trị ưu tiên phát triển, cho nên những năm qua huyện không ngừng hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyên canh cây vú sữa LR. Năm 2001, Hội Làm vườn tỉnh, huyện kết hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam tiến hành và thực hiện thành công đề tài "chọn lọc, phục tráng, nâng cao chất lượng vườn cây vú sữa LRVK". Từ thành công này đã tạo sự an tâm, kích thích người trồng vú sữa mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích.

Ðến nay, cây vú sữa LRVK đã phủ khắp 13 xã phía nam quốc lộ 1 của Châu Thành với tổng diện tích là 2.232 ha, đạt sản lượng hằng năm gần 30 nghìn tấn sản phẩm hàng hóa, tiêu thụ khắp nơi trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Năm xã Bàn Long, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Song Thuận và Phú Phong 100% diện tích đều chuyên canh cây vú sữa LRVK. Các xã còn lại có diện tích từ 50% trở lên cũng đang trong kế hoạch trẻ hóa vườn vú sữa theo hướng chuyên canh tập trung 100%. Tiền Giang cũng đã tiến hành đăng ký thương hiệu, xuất xứ hàng hóa cho cây vú sữa LR để được Nhà nước bảo hộ loại trái ngon độc quyền này.

Hiện nay, nhãn hiệu hàng hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền, còn xuất xứ hàng hóa cây sữa LR đang được Cục thẩm định. Thị trường trái vú sữa hàng hóa nhiều năm nay tương đối ổn định nên thật sự là người bạn đồng hành giúp nhà vườn mạn nam huyện Châu Thành xóa nghèo nhanh chóng và vươn lên khá, giàu. Nhờ vị thế thiên nhiên ban tặng một loại trái ngon ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người dân Châu Thành không ngừng mạnh dạn đầu tư chuyên canh.

Vấn đề hiện nay là chú ý việc giữ vững phẩm chất trái ngon theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh cây vú sữa LRVK theo hướng sản lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, Hội Làm vườn huyện tiếp tục kết hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam thực hiện thành công bước đầu và sẽ hoàn tất vào năm 2007 "Chương trình thí điểm đề tài sản  xuất cây vú sữa Lò Rèn theo hướng an toàn chất lượng cao (GAP)". Huyện cũng đã thành lập HTX vú sữa Lò Rèn để tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh xuất khẩu trái vú sữa đi các nước.

Chủ nhiệm HTX vú sữa LRVK Lê Quang Trung cho biết: HTX có 112 xã viên, xã viên chủ yếu là người trồng vú sữa góp công góp sức cùng HTX để bảo vệ sản phẩm của mình làm ra. Ông nói, hiện HTX đăng ký tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để khuyếch trương thương hiệu vú sữa LR và tìm đối tác mở rộng việc xuất khẩu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Tỉnh đã có dự án quy hoạch phát triển toàn diện 3 nghìn ha sữa LRVK theo hướng bền vững kết hợp với du lịch sinh thái mở ra hướng phát triển mới cho loại trái ngon đặc sản của Châu Thành. Tuy nhiên, bão số 9 vừa qua đã gây thiệt hại hơn sáu nghìn cây vú sữa, được sự hỗ trợ của tỉnh, sự đồng tâm hiệp lực của nhà vườn, huyện quyết tâm phục hồi nhanh số diện tích bị thiệt hại.