Nông dân phấn khởi vì rau vụ đông được giá

NDO -

Xác định vụ đông là vụ chính nên ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, mùa, bà con nông dân các địa phương phía bắc đã tập trung vào sản xuất vụ đông năm 2021. Đến nay, một số diện tích gieo trồng cây vụ đông sớm đã cho thu hoạch với giá bán khá cao nên nhân dân rất phấn khởi.

Nông dân tỉnh Hải Dương gieo trồng cây vụ đông.
Nông dân tỉnh Hải Dương gieo trồng cây vụ đông.

Theo kế hoạch, vụ đông 2021 tỉnh Hải Dương gieo trồng khoảng 21 nghìn ha. Đến ngày 10/11, bà con nông dân đã gieo trồng được gần 18 nghìn ha, trong đó có gần 52 nghìn ha đã cho thu hoạch. Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lê Thái Nghiệp cho biết “Hiện nay, bà con nông dân rất phấn khởi vì giá rau vụ đông cao. Qua tính toán mỗi sào trồng su hào, trừ chi phí nhân dân có lãi từ 5 đến 5,5 triệu đồng/lứa; bắp cải thu lãi từ 5,5 đến 6,5 triệu đồng/sào/lứa; súp lơ có lãi từ 5 đến 6 triệu đồng/sào/lứa”.

Việc giá rau lên cao đã và đang khuyến khích người dân tại Hải Dương tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đặc biệt là rau ưa lạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường. “Tuy nhiên, để bảo đảm sản xuất bà con nông dân cần tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng các vùng liên kết sản xuất và có truy xuất nguồn gốc để tăng sản lượng xuất khẩu, hạn chế khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, đồng chí Lê Thái Nghiệp cho biết thêm.

Đến nay, tỉnh Nghệ An gieo trồng được hơn 26.000 ha cây vụ đông năm 2021. Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động nhận định tình hình thị trường để xây dựng các giải pháp bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông cho nông dân, tránh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nông dân phấn khởi vì rau vụ đông được giá -0
 

Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông năm 2021, các địa phương phía bắc có kế hoạch gieo trồng khoảng 400 nghìn ha, phấn đấu sản lượng đạt khoảng 4,6 triệu tấn, giá trị đạt từ 34 đến 35 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân 85 triệu đồng/ha. Đến đầu tháng 11, các địa phương phía bắc đã gieo trồng khoảng 280 nghìn ha cây vụ đông (bằng 70%) kế hoạch.

Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc đã gieo trồng 214 nghìn ha. Một số địa phương có diện tích gieo trồng lớn như: Bắc Giang khoảng 25 nghìn ha, Thái Bình, Hà Nội hơn 23 nghìn ha, Vĩnh Phúc khoảng 14 nghìn ha ....

Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ cũng đã gieo trồng được 66 nghìn ha với diện tích tập trung tại các tỉnh như: Thanh Hoá đã gieo trồng khoảng 35 nghìn ha, Nghệ An khoảng 24 nghìn ha, Hà Tĩnh khoảng 4,5 nghìn ha.

Trong vụ sản xuất này, các địa phương đã chủ động khuyến khích, vận động nhân dân gieo trồng theo hướng hàng hóa với các sản phẩm đa dạng nhằm bảo đảm thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị thu nhập. Theo Cục Trồng trọt, hiện nay giá rau đang ở mức cao, có thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường Trung Quốc do vậy các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo gieo trồng cây vụ đông bảo đảm kế hoạch.

Tuy nhiên, vụ đông 2021 được đánh giá là năm lạnh sớm do vậy cần có giải pháp cụ thể cho từng chủng loại nhóm cây. Hiện nay, thời vụ gieo trồng cây vụ đông ưa ấm đã kết thúc, vì vậy các địa phương cần điều chỉnh và mở rộng diện tích cây vụ đông ưa lạnh; tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại rau ăn lá, khoai tây... nhằm bảo đảm kế hoạch đề ra. Đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao. Đối với các loại rau ăn lá, hướng dẫn nông dân trồng gối, trồng rải vụ để tránh hiện tượng ế thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế.

Riêng với cây khoai tây, thời vụ trồng còn kéo dài đến 20/11 với khoai tây vụ đông chính vụ. Đối với khoai tây vụ đông xuân, khoai tây vụ xuân bà con nông dân trồng làm giống có thể trồng đến cuối tháng 12/2021, vì vậy các địa phương có thể điều chỉnh theo hướng tăng diện tích, nhất là khoai tây chất lượng, phục vụ chế biến, có thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, cần cân đối các nguồn giống phục vụ nhu cầu sản xuất; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng giống khoai tây, đặc biệt khoai tây có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.

Ngoài ra, đối với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, ngành Nông nghiệp các địa phương nên khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị đủ hạt giống rau, gieo trồng gối vụ trên diện tích mới thu hoạch càng sớm, càng tốt để có đủ lượng rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Hơn nữa, các địa phương cũng cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất rau an toàn theo VietGAP; chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau an toàn để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa ổn định, tăng hiệu quả kinh tế cho nhân dân.