Xuất phát từ những câu chuyện về Bác, trong đó có câu chuyện “Hũ gạo cứu đói của Bác Hồ”, cán bộ, chiến sĩ biên phòng Sơn La đã thực hiện mô hình “Bữa sáng cho em” vào 1 ngày tháng 9/2012 khi trời biên giới Lóng Sập (Mộc Châu) đã trở gió lạnh. Khi đó Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (nay là Thượng tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La) trong 1 lần đi tuần tra có ghé thăm điểm trường mầm non Buốc Pát (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Đây là 1 điểm trường cách trung tâm xã hơn 20 km, điểm trường ở trên vùng núi cao, 100% là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Thương cảm trước cảnh các cháu nhỏ đến trường nhưng không đủ cơm ăn, không có quần áo mặc, Chính trị viên phó Đào Mạnh Tưởng đã đưa vấn đề ra trong cuộc họp của đơn vị để xin ý kiến giúp đỡ các cháu. Ngay sau đó đã được toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đồng thuận và nhất trí 100% xin tự nguyện bớt tiêu chuẩn bữa sáng của mình để chia thành những bữa sáng cho các cháu… Và câu chuyện “Bữa sáng cho em” được bắt đầu như thế.
Trở lại câu chuyện về bản Buốc Pát, đây là 1 bản đồng bào dân tộc H’Mông nằm sát đường biên giới Việt Nam - Lào chạy qua địa phận xã Lóng Sập của huyện Mộc Châu. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn bởi phong tục tập quán là ở trên non cao không canh tác được. Thế nhưng, điều đáng nói Buốc Pát là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy, hầu hết các gia đình đều có người nghiện hoặc đang thi hành án phạt tù do liên quan đến ma túy.
Ông Lò Văn Nước, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, nói: Cơn lốc ma túy đã khiến Buốc Pát chỉ còn lại là những mái nhà xiêu vẹo, những người được coi là lao động chính trong nhà đang phải chịu án tù do nghiện thuốc phiện hoặc mua bán trái phép chất ma túy. Bản có 14 hộ thì đều là hộ nghèo. Chỉ tội cho những trẻ em trong bản sinh ra không chỉ thiếu thốn về vật chất mà thiếu thốn cả tình thương của người thân và cha mẹ. Cũng chính vì thế, trẻ em trong bản không được quan tâm chăm sóc, việc học của các cháu cũng bị bỏ bê… Sự giúp đỡ của lực lượng biên phòng trong những năm qua đã giúp xã rất nhiều trong việc ổn định được an ninh, trật tự cũng như đời sống của bà con Buốc Pát.
Không dừng ở đó, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Lòng Sập đã tiếp tục giúp đỡ trường Trung học cơ sở - Tiểu học bán trú xã Lóng Sập, nơi có 120 học sinh nhưng chỉ có 50 em có tiêu chuẩn ăn bán trú. Từ năm học 2019, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã quyết định hỗ trợ thêm 70 suất ăn mỗi buổi sáng cho các em. Theo đó, khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được chia làm 3 phần, 1 phần cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, phần thứ 2 gồm 20 suất cho điểm trường mầm non Buốc Pát và 70 suất còn lại được hỗ trợ bằng gạo, thực phẩm dành cho Trường Trung học cơ sở-Tiểu học bán trú xã Lóng Sập.
Xuất phát từ đó, nhiều mô hình của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La lần lượt được “ra đời” như mô hình “Hũ gạo tiết kiệm, ủng hộ người nghèo”; “Con nuôi đồn biên phòng”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nâng bước em đến trường” cùng nhiều mô hình khác nhằm giúp bà con nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ đó các mô hình đã được lan tỏa tới các tổ chức, cá nhân thiện nguyện và đã phối hợp cùng Bộ đội Biên Phòng tỉnh Sơn La góp sức chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Qua những việc làm thiết thực từ phong trào học Bác của những người lính mang quân hàm xanh, đã lay động đến nhiều tổ chức mạnh thường quân từ miền ngược đến miền xuôi để sau đó đã đóng góp cùng lực lượng biên phòng xây dựng điểm trường tiểu học bản Mơ Tươi (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu); xây dựng trường mầm non Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn); xây dựng “Lớp học tình thương” cho điểm trường mần non bản Kỳ Nình (xã Mường Sai, huyện Sông Mã)…
Phong trào học Bác của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Sơn La còn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh khi đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sơn La và đồng chí Trá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La đã kết nối với lực lượng biên phòng để đỡ đầu 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi tháng sẽ hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng cho đến khi các cháu học hết phổ thông…
Từ đó, phong trào học Bác đã được nhân rộng tới các tổ chức, cá nhân và mở rộng quy mô của chương trình ra toàn Bộ đội Biên phòng tỉnh. Hơn nữa còn tuyên truyền mở rộng địa bàn đỡ đầu sang ngoại biên nước láng giềng Lào.
Chính từ việc học Bác một cách thiết thực và hiệu quả nên phong trào đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn lực lượng. Bởi thực tế cho thấy, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh ở Sơn La vẫn luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tích cực học tập, làm theo lời Bác, phát huy tốt truyền thống cha ông, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.