Sau quá trình khảo sát thực tiễn và hỗ trợ trực tiếp cùng các đồng nghiệp Lào, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao công tác phòng chống dịch của tỉnh Champasak: Toàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị; công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế, tỉnh Champasak vẫn có nguy cơ tái bùng phát dịch.
Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam, hiện có tám nguyên nhân khiến dịch có thể tái bùng phát ở tỉnh Champasak.
Thứ nhất, nguy cơ nhập khẩu qua biên giới. Thứ hai, nguy cơ xâm nhập từ các địa phương có dịch khác của Lào, trong đó, dịch tễ ca bệnh cộng đồng đầu tiên (ca bệnh số 101) ghi nhận tại tỉnh có nguồn lây từ ca bệnh 59 tại Viêng Chăn.
Thứ ba, nguy cơ có thể từ các ca bệnh cộng đồng chưa truy vết, lấy mẫu và cách ly đầy đủ. Thứ tư, nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly do số lượng người cách ly đông và số ca dương tính ngày càng tăng từ người nhập cảnh.
Thứ năm, nguy cơ lây nhiễm từ người cách ly có thời gian ủ bệnh dài hơn 7 ngày. Thứ sáu, nguy cơ lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị: việc sàng lọc người cơ nguy cơ cao chưa triệt để tại các bệnh viện; việc thực hiện giãn cách trong bệnh viện chưa nghiêm; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện một số nơi, một số kỹ thuật chưa phù hợp; chưa tiến hành xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho cán bộ y tế khi có dịch trong cộng đồng để xác định ca bệnh chỉ điểm từ cộng đồng tới bệnh viện.
Thứ bảy, năng lực thu dung, quản lý điều trị chưa đủ đáp ứng khi dịch bùng phát và số lượng ca bệnh có tiến triển nặng tăng cao: nhân lực mỏng, mỗi ekip trực trong khu điều trị Covid-19 phải làm tới một tháng liên tục; năng lực chuyên môn về cấp cứu hồi sức; thiếu phòng hồi sức cấp cứu tại các cơ sở điều trị Covid-19 cho bệnh nhân nhẹ; thiếu máy lọc máu hoặc có nhưng chưa biết sử dụng; danh mục thuốc chưa đủ chủng loại để điều trị hồi sức tích cực và bệnh nền…
Thứ tám, năng lực xét nghiệm, số lượng máy xét nghiệm ít (có hai máy xét nghiệm phục vụ cho tỉnh Champasak và bốn tỉnh xung quanh) và chỉ định xét nghiệm hạn chế, chưa chủ động phát hiện những ca bệnh chỉ điểm trong cộng đồng và trong bệnh viện.
Trước những nguy cơ và thách thức hiện hữu, để tăng cường sự an toàn đối với tỉnh cho toàn tỉnh Champasak trước đại dịch Covid-19 trước và sau khi mở cửa trở lại, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã đề xuất các giải pháp để kịp thời đối phó với đại dịch Covid-19.
Trong đó, về công tác giám sát dịch tễ, Đoàn đề xuất địa phương cần tăng cường công tác điều tra truy vết thông qua tăng cường nhân lực và tập huấn cho các cán bộ đáp ứng nhanh RRT các cấp tỉnh đến huyện xã; Xây dựng kế hoạch đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 đặc biệt trong bối cảnh có nhiều biến chủng vi rút Covid-19 tăng khả năng lây lan và tăng nặng trên thế giới.
Đối với công tác xét nghiệm cần tăng cường năng lực và công suất xét nghiệm của tỉnh. Trang bị thêm máy chiết tách tự động để nâng cao công suất của máy xét nghiệm Realtime-PCR; Xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho nhân viên phòng chống dịch, cán bộ y tế các cơ sở điều trị Covid-19 và các cơ sở y tế khác; Bổ sung chỉ định xét nghiệm cho bệnh nhân để bảo đảm tiêu chuẩn ra viện 2 lần xét nghiệm âm tính cách nhau 3 ngày; Mở rộng các đối tượng được xét nghiệm khi có ca bệnh trong cộng đồng…
Về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng: Trang bị các thùng chứa rác có thành cứng và nắp đậy, túi chứa rác phù hợp theo qui định, khu lưu trữ rác thải tạm thời riêng biệt và khu xử lý rác thải lây nhiễm cần cách xa khu điều trị, khu dân cư; Cải thiện môi trường các khu cách ly tập trung phòng chống lây nhiễm chéo; Cập nhật kiến thức xử lý rác thải lây nhiễm từ bệnh nhân Covid-19…
Về công tác bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh: Xây dựng và áp dụng Bộ tiêu chuẩn Bệnh viện an toàn phòng chống Covid-19; Thực hiện nghiêm công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly trong bệnh viện; Tăng cường tập huấn và bảo đảm thực hiện đúng các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Về năng lực thu dung, quản lý điều trị ca bệnh: Tại các bệnh viện giao chức năng điều trị bệnh nhân vừa và nhẹ; cần bổ sung máy X-quang di động; mỗi phòng bệnh ít nhất một máy đo SPO2. Trang bị một phòng cấp cứu, hồi sức cơ bản với máy monitor; bình ô-xy, dụng cụ cấp cứu hồi sức tim mạch, hô hấp, nội khí quản và thuốc cấp cứu. Bổ sung các thuốc điều trị hồi sức cấp cứu cơ bản như adrenaline, noradrenaline, thuốc điều trị các bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường…
Tại các bệnh viện giao chức năng điều trị ca bệnh nặng, cấp cứu ngoại khoa: Tăng cường năng lực cho nhân viên y tế, trong đó tăng cường huấn luyện thực hiện các kỹ thuật điều trị chuyên sâu như đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết động, lọc máu liên tục, ECMO; bổ sung bác sỹ chuyên khoa ngoại lồng ngực và tim mạch...