Đây là nhận định của bà Nhan Thiếu Quân, chuyên gia của Ban nghiên cứu kinh tế thế giới thuộc Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc trong bài viết với nhan đề "Tăng cường hợp tác thực chất trong kết nối chiến lược giữa Trung Quốc và Việt Nam" đăng trên tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây.
Theo đó, Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam được hai bên công bố nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Điều này đã vạch ra định hướng mới để hai nước triển khai hợp tác thiết thực, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam.
Theo chuyên gia Nhan Thiếu Quân, những năm gần đây, Trung Quốc và Việt Nam đã phát huy tối đa lợi thế gần gũi về địa lý và lợi thế bổ sung về ngành nghề để đẩy nhanh hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” và chiến lược “Hai hành lang, Một vành đai”, hợp tác thiết thực đạt được những kết quả tích cực. Trung Quốc liên tiếp nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Từ đầu năm 2024 đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc-Việt Nam phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại song phương đạt 145 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố ngày 29/6 cho thấy, các dự án đầu tư mới của Trung Quốc chiếm 29,1%, đứng đầu trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong nửa đầu năm.
Trước những biến động của thế giới, thời đại và lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội lâu dài, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và sức sống mãnh liệt của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc chiến lược chặt chẽ và trao đổi cấp cao với Việt Nam, kiên trì hỗ trợ lẫn nhau, đẩy nhanh “kết nối cứng” về đường sắt, đường bộ cao tốc và kết cấu hạ tầng cửa khẩu, tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh và cùng hợp tác để xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn và ổn định.
Trung Quốc muốn nâng cấp quan hệ kinh tế-thương mại với Việt Nam
Trong bài viết của mình, chuyên gia Nhan Thiếu Quân đưa ra bốn đề xuất nhằm tăng cường kết nối chiến lược và hợp tác thiết thực giữa hai nước, cụ thể:
Một là làm sâu sắc thêm sự tin cậy chiến lược lẫn nhau. Con đường hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam do các nhà lãnh đạo hai Đảng, hai nước xây dựng và dẫn dắt, đã mang lại những định hướng chiến lược để tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cùng nhau xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, đồng thời chỉ ra phương hướng cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương.
Hai bên cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt chiến lược của ngoại giao giữa lãnh đạo cao nhất, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, mang lại lợi ích tốt hơn cho nhân dân hai nước và khu vực. Phát huy vai trò đặc biệt của các kênh Đảng, tăng cường hơn nữa hợp tác và trao đổi toàn diện giữa hai Đảng, tăng cường vai trò điều phối tổng thể của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam, tăng cường hợp tác thông qua các cơ chế trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, an ninh.
Hai là nâng cao mức độ “kết nối cứng” và “kết nối mềm” của kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng là nền tảng của kết nối. Đẩy nhanh tiến độ kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối đường sắt và đường cao tốc, là trọng tâm hợp tác trong việc kết nối chiến lược giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” và “Hai hành lang, Một vành đai”, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế của hai nước.
Những chuyến tàu liên vận Trung Quốc-Việt Nam đã mở ra một kênh vận tải và hậu cần mới giữa hai nước, tăng cường trao đổi thương mại song phương và tiếp thêm sức sống mới cho sự phát triển kinh tế khu vực. Theo thống kê, tính đến ngày 18/8, các đoàn tàu liên vận Trung Quốc-Việt Nam xuất phát từ Quảng Tây đã vận chuyển tổng cộng 7.850 TEU hàng hóa trong năm nay, tăng 16 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn về tương lai, Trung Quốc đồng ý hỗ trợ Việt Nam lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Tân Thanh-Pò Chài. Điều này sẽ tiếp tục góp phần nâng cao mức độ tự do hóa và tạo thuận lợi thương mại và đầu tư giữa hai nước và khu vực, mang lại lợi ích hơn nữa cho người dân hai nước.
Ba là thúc đẩy chất lượng và nâng cấp hợp tác giữa hai nước. Trong giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của mỗi nước, Trung Quốc và Việt Nam nhất quyết thực hiện các mục tiêu “6 hơn”: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa. Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ, có sự bổ sung mạnh mẽ về sản xuất và không gian hợp tác rộng rãi.
Hai bên cần tăng cường hợp tác nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh, khoáng sản và các lĩnh vực khác để nâng cao chất lượng và nâng cấp hợp tác giữa hai nước. Mục tiêu “carbon kép” của Trung Quốc và cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Một lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc đã đến Việt Nam để phát triển năng lượng tái tạo và hợp tác ở cấp độ sâu hơn trong lĩnh vực công nghệ xanh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững toàn cầu.
Bốn là tăng cường phối hợp và hợp tác tại các cơ chế đa phương. Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương. Trước tình hình quốc tế biến động phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam cần cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định, đồng thời thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam, phù hợp lợi ích của cả hai nước và lợi ích chung của các nước đang phát triển.
Hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp, hợp tác trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, hợp tác Mekong-Lan Thương, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ 3 sáng kiến toàn cầu là Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu, thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng và toàn cầu hóa kinh tế để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.