Chuyên gia Nga: Việt Nam không thỏa mãn với thắng lợi

NDO - Trong bài viết với tựa đề "Việt Nam đi trước phần còn lại" đăng trên số mới nhất Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên bang Nga, tác giả Piotr Tsvetov khẳng định, đạt nhiều thành tựu thời gian vừa qua, song Việt Nam không thỏa mãn với thắng lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia Piotr Tsvetov (bên phải) trong một sự kiện ở Moskva (Nga), tháng 12/2022. (Ảnh: Thanh Thể)
Chuyên gia Piotr Tsvetov (bên phải) trong một sự kiện ở Moskva (Nga), tháng 12/2022. (Ảnh: Thanh Thể)

Phần đầu bài viết, chuyên gia Tsvetov nhấn mạnh, năm 2022, Việt Nam trở thành "quán quân" về tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia nhóm BRICS gọi Ấn Độ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng theo tác giả Tsvetov, điều đó không phải vậy.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đạt khoảng 6,8%, trong khi đó của Việt Nam là 8,02%. Thành tích của Việt Nam cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của khu vực Đông Á và đây là kết quả cao nhất của nền kinh tế Việt Nam trong 12 năm qua.

Chuyên gia Nga nhận định, thêm một thành tựu của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tỷ lệ lạm phát thấp. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng đáng kể, năm 2022 đạt khoảng 732 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư. Tác giả cũng bày tỏ ấn tượng về việc ấn phẩm U.S. News & World Report của Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia hùng mạnh nhất.

Cũng như với hầu hết các quốc gia trên thế giới, năm 2022 không phải năm dễ dàng đối với Việt Nam. Ông Tsvetov phân tích, Việt Nam phải khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 vốn đã cản trở các mối quan hệ đối nội và đối ngoại khiến nhiều ngành sản xuất phải tạm ngưng, trong khi cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực từ tình hình liên quan Ukraine.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực đưa nền kinh tế đất nước trở lại nhịp điệu bình thường. Đóng vai trò quan trọng trong thành công này là chính sách đối ngoại đa phương và sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các tổ chức kinh tế quốc tế. Việc Việt Nam mở cửa biên giới sau đại dịch mang đến các nhà đầu tư mới từ các nước châu Âu.

Tác giả Tsvetov nhận định, đạt nhiều thành công, song người Việt Nam không thỏa mãn với thắng lợi. Những ngày đầu năm mới 2023, Quốc hội Việt Nam đã họp phiên bất thường tại Hà Nội, thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo tiền đề thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo. Quốc hội đã thông qua 1 dự thảo luật và 3 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2023 được nhận định có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm do Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Theo nghị quyết của Quốc hội, trong năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 6,5%. Ông Tsvetov nhấn mạnh, nhiều chuyên gia tin tưởng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này.