Chuyển động Vân Phong

Với tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) có vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Nhà máy đóng tàu Hyundai-Việt Nam, hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa.
Toàn cảnh Nhà máy đóng tàu Hyundai-Việt Nam, hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa.

Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu các khu chức năng để có cơ sở triển khai xúc tiến đầu tư theo danh mục ngành, nghề ưu tiên, nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Khu kinh tế Vân Phong là tọa độ phát triển có lợi thế tầm cỡ thế giới. Điều chỉnh quy hoạch, tiến hành quy hoạch phân khu và tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách là các giải pháp đang được tỉnh Khánh Hòa triển khai nhằm giúp khu kinh tế này đạt được mục tiêu kỳ vọng.

Tầm vóc mới

Khu kinh tế Vân Phong được thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg, ngày 25/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích 150.000 ha; trong đó 70.000 ha đất và 80.000 ha mặt nước biển, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Theo Quyết định này, Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng, có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; có vị trí quan trọng về an ninh-quốc phòng của quốc gia.

Từ ngày thành lập khu kinh tế đến nay, tỉnh Khánh Hòa tập trung nhiều nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư; giải quyết một cách tốt nhất những vướng mắc trong quá trình phát triển...

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đến nay, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút 150 dự án đầu tư, trong đó có 122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD; vốn thực hiện 2,68 tỷ USD, đạt 65% vốn đăng ký; giải quyết việc làm cho 11.802 lao động. Trong số 98 dự án đã đi vào hoạt động, có một số dự án lớn, hoạt động hiệu quả, đơn cử như Nhà máy đóng tàu Hyundai-Việt Nam, vốn đầu tư hơn 350 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, hằng năm thực hiện xuất khẩu chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh Khánh Hòa.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng, tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ. Từ đây, những vướng mắc về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong từng bước có hướng tháo gỡ.

Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có những quy định rất cụ thể về danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong; các điều kiện nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng; những chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược; các nghĩa vụ của nhà đầu tư...

Có thể nói, Quốc hội đã định hình tầm vóc phát triển của Khu kinh tế Vân Phong, thể hiện qua việc quy định quy mô dự án, chẳng hạn như đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn từ 12.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên...

Không chỉ vậy, Nghị quyết số 55/2022/QH15 còn tạo thêm điều kiện về phân cấp, phân quyền; tăng tính tự chủ, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh được phép chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược...

Xây tổ đón đại bàng

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vạn Ninh Đàm Ngọc Quang cho rằng, nhờ vào các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, huyện Vạn Ninh nói riêng và Khu kinh tế Vân Phong nói chung có hành lang pháp lý vững chắc, rất thuận lợi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, triển khai đồng bộ các công trình thiết yếu, nhất là các tuyến giao thông cao tốc kết nối Vân Phong-Tây Nguyên, Vân Phong-Nha Trang, Vân Phong-Chí Thạnh; các trục đường chính; hạ tầng cảng biển... từ đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng 19 phân khu phủ kín toàn bộ diện tích của Khu kinh tế Vân Phong; quy mô diện tích 150.000 ha; đến năm 2050 đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững, bản sắc, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng; dân số đến năm 2030 khoảng 350.000-380.000 người; dân số đến năm 2040 khoảng 500.000-550.000 người.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Trong quá trình thực hiện đồ án, tỉnh đặc biệt lưu ý việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ở Khu kinh tế Vân Phong. Cụ thể, đối với những ngành, nghề ở Nam Vân Phong cố gắng giảm đến mức thấp nhất tác động đến môi trường; Bắc Vân Phong là khu sinh thái ở mức độ cao nhất; đồng thời, quan tâm đến việc tái định cư và sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án.

Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tập trung lập quy hoạch các phân khu chức năng; xây dựng danh mục hồ sơ đề xuất đối với các nhà đầu tư chiến lược; chuẩn bị kế hoạch xây dựng các khu tái định cư phục vụ thực hiện các dự án; chuẩn bị các bước chuyển nghề, đào tạo nghề cho người dân chịu ảnh hưởng của dự án...

Cùng với đó, các cơ quan hữu quan tiếp tục các bước hoàn chỉnh, ban hành danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội để thu hút đầu tư. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ động phối hợp các sở, ngành nghiên cứu đổi mới cách nghĩ, cách làm; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư mới, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế chưa được phê duyệt, công việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch phân khu mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, nhất là các nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội. Nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, khảo sát, đề xuất các dự án lớn, nhưng do quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành chưa đồng bộ, cho nên chưa đủ cơ sở thu hút các nhà đầu tư vào các dự án cụ thể theo quy định.

Để thúc đẩy việc triển khai các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập tổ công tác do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng và thực hiện báo cáo tiến độ triển khai các dự án này định kỳ hai tuần/lần cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kịp thời theo dõi, hỗ trợ, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh; tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Khánh Hòa đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hoa Kỳ… nhằm giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư tỉnh Khánh Hòa, trong đó có Khu kinh tế Vân Phong, nhất là kêu gọi các ngành, nghề ưu tiên thu hút theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội.

Theo đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 55 là rất mới, mang tính đặc thù nên trong quá trình triển khai nhiều cơ quan chức năng gặp khó khăn, lúng túng. Đã gần hai năm kể từ ngày Nghị quyết số 55 có hiệu lực, các chính sách về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa thực hiện được.

Do đó, nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, dự án quy mô lớn theo danh mục ưu tiên thu hút đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu các khu chức năng của Khu kinh tế để có cơ sở triển khai công tác xúc tiến đầu tư theo danh mục ngành, nghề ưu tiên, nhất là các nhà đầu tư chiến lược; tổ chức hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực, phù hợp với mục tiêu phát triển của Khu kinh tế.