Ðà Nẵng cách ngã ba Ðông Dương, hơn bốn giờ đi ô-tô trên đường Hồ Chí Minh, từ thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Rẽ vào quốc lộ 40 đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe container từ nước bạn Lào chở hàng nối nhau chuyển bánh ra đường Hồ Chí Minh để xuôi về các tỉnh của miền trung. Anh Phạm Văn Thích, cán bộ hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cho biết: Năm 2005, khi cửa khẩu công bố trực thuộc Chính phủ, trung bình hằng ngày có khoảng 30 xe ô-tô các loại qua lại cửa khẩu. Ba năm trở lại, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng, với cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng đồng bộ đã tạo nên diện mạo mới. Năm 2007 lượng hàng hóa qua cửa khẩu đã tăng gấp hai lần, làm sôi động một vùng biên giới heo hút. Bờ Y là cửa khẩu quốc tế duy nhất ở Tây Nguyên, bên trái là đường dẫn đến cửa khẩu sang Cam-pu-chia, bên phải là đường qua nước bạn Lào, là trung tâm của tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Ðây là vùng đất có nhiều di tích chiến tranh, trong đó nổi tiếng là Khu Di tích chiến thắng Ngọc Hồi, Ðắc Tô, Tân Cảnh và những căn cứ quân sự nơi đã hứng chịu hàng nghìn tấn bom na-pan và chất độc da cam hủy diệt môi trường. Cách đây không lâu, khi chưa có đường Hồ Chí Minh đi qua, tỉnh Kon Tum chưa thoát ra khỏi thế ngõ cụt, các huyện phía bắc của tỉnh như Ðắc Glây, Ngọc Hồi, Ðắc Tô thuộc diện vùng sâu, vùng xa nghèo khó nhất cả nước, với hơn 80% số hộ dân thuộc diện nghèo, đói.
Ðến cửa khẩu quốc tế Bờ Y những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh sôi động, tấp nập của một công trường, gần 300 thiết bị xe máy với hơn 700 cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng 515-9 (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5) đang khẩn trương thi công thêm một con đường lớn, ngang qua hai xã Bờ Y và Ðắc Sú dài gần 13 km mặt đường có đoạn rộng 29 m, nối cửa khẩu quốc tế Bờ Y ra đường Hồ Chí Minh, với kinh phí đầu tư 400 tỷ đồng. Từ ngày khởi công đến nay chỉ sau gần một tháng, khối lượng và giá trị thi công đạt hơn 60 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 6-2008 sẽ hoàn thành nền đường và thông xe kỹ thuật. Khách sạn quốc tế Ðông Dương, có 80 phòng, do Công ty TNHH Xây dựng thương mại Phước Thành đầu tư gần 70 tỷ đồng đang được xây dựng. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được quy hoạch có diện tích gần 70 nghìn ha, gồm khu thương mại quốc tế, khu đô thị biên giới, khu du lịch sinh thái... nằm trên sáu xã Sa Long, Bờ Y, Ðắc Sú, Ðắc Dục, Ðắc Nông, Ðắc Kan và thị trấn Plei Kần đang từng ngày đổi thay. Anh Nguyễn Thế Ðạt, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, bộc bạch: Ðể có được ngày hôm nay, chúng tôi cũng phải vượt qua biết bao vất vả. Trong thời gian ngắn, Ban Quản lý cửa khẩu đã cấp phép cho sáu dự án và hiện nay có 17 dự án đang triển khai thực hiện, với số vốn gần 250 tỷ đồng . Trong đó, Công ty cổ phần Ðầu tư tài chính Thương mại và Dịch vụ quốc tế GIEC, thực hiện 11 dự án, với tổng số vốn đăng ký ba tỷ USD. Năm 2007, đã khai trương Khu Thương mại cửa khẩu, rộng 25 ha, Công ty VTI đã đầu tư mở cửa khu bán hàng miễn thuế phục vụ nhân dân trong vùng và khách du lịch, tạo lực hấp dẫn mới, thu hút khách tham quan, sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bờ Y ngày càng sôi động. Ðể phát triển đồng bộ, Ban quản lý cửa khẩu đã thực hiện nhiều công việc đồng bộ như xây dựng cơ chế chính sách, con người, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Võ Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thành Ngọc, TP Ðà Nẵng, doanh nghiệp đầu tiên lên đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tính toán: Chọn cửa khẩu Bờ Y để đầu tư, chúng tôi có nhiều lý do vì Bờ Y có nhiều lợi thế, là đầu mối giao lưu kinh tế trong chiến lược phát triển vùng kết nối hệ thống cụm công nghiệp của các nước tiểu vùng sông Mê Công và cảng biển miền trung. Từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đến biên giới phía bắc Thái-lan chỉ 340km, đến thành phố Hồ Chí Minh 650 km, cách cảng Ðà Nẵng 240 km, khu Kinh tế Dung Quất 230 km, Cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) 260 km và Cảng Quy Nhơn (Bình Ðịnh) 310 km, đủ điều kiện để đất lành chim đậu.
Bờ Y hàng chục năm nay là xã nghèo vùng ba, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Ka Dong, Bờ Râu, Giẻ Triêng, Mường... từ ngày cửa khẩu quốc tế mở ra, đời sống bà con đã có nhiều thay đổi. Anh Nguyễn Thế Ðạt, không giấu sự vui mừng: Những năm gần đây, bà con dân tộc xã Bờ Y đã mua sắm hơn 300 xe máy, gần 100 chiếc tủ lạnh, ti-vi, nhiều gia đình đã có nhà xây... Năm trước tỉnh cứu trợ gạo trong dịp Tết Mậu Tý vừa qua tỉnh đưa gạo lên, đồng bào nói: Tỉnh cho thì nhận, còn cứu đói thì không.
Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y hôm nay đã và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vùng đất ngã ba Ðông Dương đang từng ngày thay đổi, trở thành đô thị biên giới một ngày không xa, tạo tiền đề cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế của 10 tỉnh trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia trong tương lai.