Chuyển đổi trồng tre tứ quý lấy măng thương phẩm

Năm 2022, nông dân xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng mía, mì kém hiệu quả sang trồng cây tre tứ quý để lấy măng thương phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là giống tre dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, kể cả các vùng đất bạc màu không thể canh tác được nhiều cây trồng khác.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Nguyễn Cao Anh Kiệt, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) bên những búp măng tre Tứ quý chuẩn bị thu hoạch trái vụ.
Anh Nguyễn Cao Anh Kiệt, xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) bên những búp măng tre Tứ quý chuẩn bị thu hoạch trái vụ.

Đầu năm 2022, anh Nguyễn Cao Anh Kiệt ở xã Hòa Sơn chi 3 triệu đồng để mua 50 cây giống tre tứ quý (50.000 đồng/cây) có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) do một cơ sở tại huyện Ninh Sơn bán, đem về trồng thử nghiệm trên diện tích một sào (1.000m2) mà trước đó anh đã từng trồng cây mì nhưng năng suất kém.

Đến đầu năm 2023, vườn tre bắt đầu cho thu hoạch những búp măng tươi mọc dưới gốc cây tre “mẹ”. Từ đó đến nay, anh Kiệt thu hoạch và bán măng tươi quanh năm với giá từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg (vào mùa mưa), còn vào mùa trái vụ (từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau) thì giá bán tăng lên từ 40.000 đến 55.000 đồng/kg, thu nhập hàng trăm triệu đồng/sào/năm, tăng gấp đôi thu nhập so với trồng các loại cây khác trên cùng diện tích.

Anh Kiệt chia sẻ: “Mỗi năm, cây mì chỉ cho thu hoạch một lần, năng suất kém, giá bán bấp bênh. Trong khi đó, sau một năm trồng và chăm sóc, cây tre tứ quý cho thu hoạch búp măng non quanh năm. Cứ hai đến ba ngày, nông dân có thể cắt tại vườn một lần từ 15-20 kg búp măng (từ 1,2-1,5 kg/búp), bán cho thương lái hoặc bán lẻ ở chợ, thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/lần. Từ hiệu quả kinh tế đem lại, năm 2023, anh Kiệt đã chuyển đổi cả 3 sào trồng cây mì trước đây sang trồng cây tre tứ quý.

Nông dân nơi đây cho biết, búp măng tre tứ quý có độ ngọt và giòn hơn các loại măng khác, nhờ thu hoạch quanh năm, nên các nhà vườn luôn có sản phẩm cung ứng cho nhu cầu thị trường một cách ổn định. Trên cùng vùng đất với anh Kiệt, nông dân Nguyễn Cao Dương Hào đã chuyển đổi 2 sào (2.000m2) đất trồng mì kém hiệu quả sang trồng tre để lấy măng thương phẩm, nhưng khác ở chỗ, anh Hào chọn trồng thêm giống tre Mạnh Tông xen lẫn với giống tre tứ quý.

Anh Hào cho biết: “Giá bán búp măng thương phẩm của tre Mạnh Tông thấp hơn giá của búp măng tre tứ quý từ 3.000-5.000 đồng/kg. Bù lại, cây tre Mạnh Tông phát triển nhanh và cho búp măng từ 2-2,5 kg/búp, to hơn búp măng tre tứ quý. Trồng tre Mạnh Tông cho thu hoạch lứa đầu tiên sớm hơn tre tứ quý từ một đến hai tháng. Nếu hai đến ba ngày mới thu hoạch búp măng tre tứ quý một lần được từ 15-20 kg/sào, thì tre Mạnh Tông cho thu hoạch từ 7,5-8,5 kg/sào/ngày”.

Hiện, nhờ chủ động nguồn nước tưới nên nông dân xã Hòa Sơn dần dịch chuyển sang thu hoạch búp măng tre tứ quý trái vụ để nâng cao thu nhập. Giữa năm 2023, nông dân Võ Văn Tuấn ở thôn Tân Hòa, xã

Hòa Sơn đã chuyển đổi 5 sào (5.000 m2) đất khô cằn để trồng tre tứ quý. Đến nay, vườn tre phát triển xanh tốt, chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên vào tháng 6/2024. Anh Tuấn cho biết: “Tre tứ quý hầu như không bị sâu bệnh, cho nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần tưới nước, bón đủ phân là cây sinh trưởng tốt. Bên cạnh cho thu hoạch quanh năm, thị trường ổn định, người trồng có thu nhập ổn định hằng tháng nên an tâm sản xuất. Cùng với đó, các chủ vườn còn có thể nhân giống bằng cách chiết cành trên thân cây tre ngay tại vườn để ươm và bán giống khi thị trường có nhu cầu để tăng thêm thu nhập hoặc là chủ động nguồn giống để mở rộng diện tích, không cần phải mua giống như lúc trồng ban đầu, nông dân giảm nhiều chi phí đầu tư nên bà con rất phấn khởi sản xuất”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn Đỗ Hữu Cương cho biết: Tuy mới bén rễ ở xã gần ba năm, nhưng cây tre tứ quý cho thấy rất phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu nơi đây, đã và đang tác động tích cực trong việc hồi sinh hàng chục héc-ta đất cằn cỗi, hoang hóa. Xã xác định cây trồng này đang mở ra hướng đi mới, có nhiều triển vọng giúp nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới tốt hơn.

Hội Nông dân xã Hòa Sơn đã vận động hội viên nhân rộng diện tích trồng lên gần 6 ha, đồng thời, xã đang xúc tiến các thủ tục để hình thành Tổ hợp tác trồng tre lấy măng thương phẩm, xây dựng chuỗi giá trị… để nâng cao chất lượng măng tre tứ quý là sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của địa phương trong tương lai.