Cùng suy ngẫm

Chuyển đổi số trong thu ngân sách

Theo Tổng cục Thuế, trong 10 tháng qua, tổng thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý đạt gần 1 triệu 220 nghìn tỷ đồng, vượt 3,8% so dự toán pháp lệnh và tăng 14,7% so cùng kỳ năm trước.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Hoạt động tại Cục Hải quan Hải Phòng.

Trong đó, số thu nội địa ước đạt hơn 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng, vượt 0,7% so dự toán pháp lệnh, 12,1% so cùng kỳ. Thu thuế sử dụng đất ước đạt 173.168 tỷ đồng, vượt 28,3% dự toán và 45,7% so cùng kỳ; riêng thu từ dầu thô ước đạt 65.536 tỷ đồng, vượt 32,4% so dự toán và vượt tới 95% so cùng kỳ.

Để có được kết quả khả quan này, Chính phủ đã có quyết sách kịp thời, hiệu quả triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả của các biện pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế; đẩy mạnh thu thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử trên cả nước,...

Toàn ngành thuế cũng đã xử lý khoanh nợ, xóa hơn 2.400 tỷ đồng nợ thuế không còn khả năng thu (theo tinh thần Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội), trong đó xử lý khoanh nợ 1.030 tỷ đồng; xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp 1.375 tỷ đồng. Lũy kế tính từ ngày 1/7/2020 tới cuối tháng 10/2022, ngành thuế đã xử lý nợ ước đạt 34.877 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã ban hành gần 17 nghìn quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền hơn 124 nghìn tỷ đồng, bằng 81% so kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2022 được Quốc hội phê duyệt, bằng 99% so cùng kỳ năm 2021.

Nhìn vào kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, có thể thấy, đến cuối tháng 10, lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm gia hạn ước khoảng 160.300 tỷ đồng; trong đó, tiền thuế thuộc diện được gia hạn ước khoảng 104.300 tỷ đồng, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 9.600 tỷ đồng; thuế, tiền thuê đất lũy kế ước khoảng 94.662 tỷ đồng.

Đáng lưu ý trong số này, tổng số thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp được gia hạn ước hơn 52.400 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh hơn 221 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 40 nghìn tỷ đồng và tiền thuê đất khoảng 2.036 tỷ đồng. Số tiền thuế, thuê đất còn đang tiếp tục được gia hạn ước khoảng 36.245 tỷ đồng, số thuế, phí, lệ phí được miễn giảm gần 56 nghìn tỷ đồng.

Kết quả này cũng cho thấy, số thuế thực thu vào ngân sách nhà nước thời gian qua phản ánh rõ sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi nhận được hỗ trợ lớn từ chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí từ Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là kết quả của việc thực thi chuyển đổi số trong ngành tài chính, hạt nhân là công tác triển khai thuế điện tử (khai, nộp, hoàn thuế điện tử, eTax Mobile, hóa đơn điện tử). Chỉ tính từ ngày 1/7 tới 31/10/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,8 tỷ hóa đơn điện tử (trong đó có hơn 1,34 tỷ hóa đơn không mã và hơn 500 triệu hóa đơn có mã).

Ngoài ra, thu thuế từ nhà cung cấp nước ngoài theo thông lệ quốc tế cũng đóng góp rất lớn vào kết quả thu ngân sách nhà nước. Chỉ sau hơn 7 tháng triển khai, chính thức đi vào vận hành (từ ngày 21/3), đến nay đã có 37 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế thành công với tổng số tiền 3.177 tỷ đồng; trong đó, nộp qua Cổng thông tin nộp thuế điện tử gần 1.900 tỷ đồng; khấu trừ nộp thay gần 1.300 tỷ đồng với những tên tuổi các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple,...

Như vậy, có thể thấy rõ, khi áp dụng chuyển đổi số trong quản lý thu ngân sách, số thu ngân sách đạt được đã phản ánh đúng thực trạng “sức khỏe” của nền kinh tế, bảo đảm thu đúng, thu đủ cũng như tính công bằng trong thực thi nghĩa vụ ngân sách nhà nước ■