Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội ở Hà Nam

Việc thực hiện Đề án 06/QĐ-TTg về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức, chính quyền, nhân dân, Đề án 06 đã góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Công an thành phố Phủ Lý hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Công an thành phố Phủ Lý hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy Hà Nam về Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân.

Từ khi thực hiện chuyển đổi số đến nay, tỉnh Hà Nam đã bảo đảm hoạt động của 25 dịch vụ công thiết yếu; trong đó, tất cả 109 đơn vị cấp xã đã triển khai thực hiện thí điểm hai dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Việc triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh đã được triển khai đến 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thu thập, tổng hợp xong dữ liệu các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội để đối sánh, làm sạch dữ liệu phục vụ cấp tài khoản an sinh xã hội và chi trả cho các đối tượng. 101 trong số 109 xã, phường, thị trấn kiểm tra, tích hợp số hóa dữ liệu đất đai; triển khai số hóa và làm sạch dữ liệu hộ tịch đạt hơn 60%. 100% số công chức, giáo viên ngành giáo dục đã có thẻ căn cước công dân gắn chip và kích hoạt định danh điện tử phục vụ thực hiện sử dụng chữ ký số.

Đặc biệt, các nhiệm vụ về làm sạch dữ liệu, cấp căn cước công dân cho đối tượng đủ điều kiện cấp và cấp tài khoản định danh điện tử đã cơ bản hoàn thành.

Tính đến nay, Hà Nam đã hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho tất cả công dân đủ điều kiện trên địa; tiếp tục cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Từ những kết quả bước đầu đạt được, tỉnh Hà Nam rút ra một số kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Theo đó, cần có các giải pháp nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cấp, các ngành và nhân dân về ý nghĩa, tác dụng của Đề án 06, nhất là việc tạo lập và kích hoạt tài khoản định danh điện tử của người dân; phải xác định rõ đây là nhiệm vụ chung của cả

hệ thống chính trị, chứ không phải của riêng lực lượng nào. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý gương mẫu đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đồng thời, phối hợp lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng phát huy cao nhất vai trò của Cơ quan Thường trực Tổ công tác Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương, tham mưu, đề xuất những giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tỉnh đặc biệt coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn với nhiều hình thức đa dạng để người dân hiểu về tiện ích, hiệu quả của ứng dụng VNeID và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; phát huy hiệu quả các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook trong công tác tuyên truyền.

Đồng thời, xây dựng nhân tố tích cực trong các nhóm đối tượng tiếp cận nhanh với công nghệ số như học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, công nhân… để phục vụ công tác tuyên truyền, hướng dẫn công dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh phải xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay, với trọng tâm là thực hiện đơn giản hóa, giải quyết các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các dịch vụ công thiết yếu gắn với việc thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hà Nam xác định mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương.