Chuyển đổi số mạnh mẽ ở huyện An Dương

Là địa phương ngoại ô của thành phố Hải Phòng, nhưng huyện An Dương đã và đang tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động chuyển đổi số, nhất là xây dựng chính quyền số với việc đưa Hệ thống Tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (DSS) vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu Hệ thống Tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (DSS) của huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Giới thiệu Hệ thống Tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (DSS) của huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện An Dương Lương Thế Quý cho biết, điều quan trọng nhất để xây dựng thành công chính quyền số và thúc đẩy nhanh tiến trình triển khai chuyển đổi số là phải có hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu cốt lõi. Hệ thống cơ sở dữ liệu này không chỉ phải lớn, tích hợp đa dạng, dữ liệu phải “sống” (cập nhật thường xuyên) mà còn phải bảo đảm tiện dụng, thân thiện, dễ khai thác, sử dụng, kết nối với các hệ thống quản lý văn bản, phòng họp số, cổng thông tin điện tử…

Từ quan điểm đó, lãnh đạo huyện An Dương đã quyết liệt triển khai thực hiện Dự án “Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng chính quyền số huyện An Dương” với việc tập trung thực hiện số hóa dữ liệu và tạo dựng Hệ thống Tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (DSS).

Đồng chí Lương Thế Quý cho biết, theo đánh giá bước đầu của đội ngũ cán bộ huyện và các xã cũng như ý kiến phản hồi của người dân sau khi sử dụng, Hệ thống Tổng hợp thông tin, quản lý, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định (DSS) của huyện khá tiện dụng, thân thiện, dễ khai thác, sử dụng và nhất là kho dữ liệu lớn có thể khai thác, chia sẻ phục vụ không chỉ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, mà còn là “kênh” thông tin quan trọng để người dân tiếp cận, sử dụng trong đời sống và trong giao dịch với các cơ quan, tổ chức, đơn vị… trên môi trường số.

Nhờ đó, lĩnh vực chuyển đổi số của huyện có chuyển biến tích cực. Riêng trong năm 2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đạt 86,5%, tăng 30% so với năm 2022; trong đó, cấp xã, thị trấn đạt 98,5%, tăng gần 38% so với cùng kỳ; tỷ lệ văn bản thực hiện chữ ký số cá nhân tăng 15% so với cùng kỳ…

Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện An Dương Phạm Duy Thành cho biết, để hình thành kho dữ liệu, huyện thực hiện số hóa hơn 180 nghìn trang tài liệu; thu thập, phân tích nguồn cơ sở dữ liệu đối với 12 phòng, ban, 16 xã, thị trấn và 7 đơn vị phối quản… Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì và khá vất vả, nhưng với quyết tâm cao, đội ngũ cán bộ các phòng, ban và các xã của huyện đã nỗ lực thực hiện. Cùng với đó, các cơ quan chuyên ngành đã khởi tạo các module hiển thị, giao diện ban đầu của Hệ thống DSS với 112 nhóm dữ liệu gồm hơn 33 nghìn đầu dữ liệu từ việc số hóa thủ tục hành chính, dữ liệu thu thập từ các phòng chuyên môn, đơn vị phối quản và các xã, thị trấn trên địa bàn.

Trong đó, các nhóm dữ liệu quan trọng trong Hệ thống DSS như: nhóm dữ liệu kinh tế gồm 5 nhóm dữ liệu chính về tài chính-kế hoạch, kinh tế-hạ tầng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, quản lý dự án đầu tư xây dựng; nhóm dữ liệu xã hội cũng gồm 5 nhóm dữ liệu chính về văn hóa-thông tin, giáo dục và đào tạo, tư pháp, lao động-thương binh và xã hội, y tế; nhóm dữ liệu hành chính gồm 3 nhóm dữ liệu chính về công tác hành chính, quản trị, nhiệm vụ thành phố và huyện giao, tiếp nhận và xử lý văn bản, thống kê hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống Một cửa điện tử huyện và xã, thị trấn…, về công tác cải cách hành chính; nhóm dữ liệu nội chính về công tác thanh tra nhà nước; tiếp nhận và giải quyết đơn thư; công tác quân sự, quốc phòng, an ninh trật tự; điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự...

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện An Dương Trần Văn Hải chia sẻ, với Hệ thống DSS, các dữ liệu, số liệu tổng hợp giúp các phòng chuyên môn có thể khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung phục vụ hoạt động nghiên cứu, đánh giá, phân tích cụ thể theo từng nhiệm vụ, từng thời điểm. Đồng thời, Hệ thống cũng đưa ra những cảnh báo, phân tích, đánh giá, tổng hợp, kết xuất báo cáo nhanh, báo cáo tổng hợp một cách chủ động, kịp thời… Cùng với đó, Hệ thống cũng giúp theo dõi tiến độ, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương và giúp đưa ra những chỉ đạo để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện An Dương Lương Thế Quý cho biết thêm, giờ đây chỉ với máy tính bảng hay chiếc điện thoại di động thông minh, lãnh đạo huyện có thể xử lý các công việc trực tiếp ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, với kho dữ liệu được cập nhật liên tục, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức huyện và các xã không cần phải sử dụng đến văn bản giấy, cũng như không cần phải hỏi hay chờ đợi các bộ phận chuyên môn cung cấp thông tin như trước đây nữa. Tất cả các thông tin cần thiết đều có thể khai thác, chia sẻ và xuất báo cáo trên Hệ thống một cách nhanh chóng, chính xác. Hệ thống thật sự mang lại tiện ích, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết, xử lý công việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính…

Anh Nguyễn Văn Quang ở xã An Đồng (huyện An Dương) cho biết, thông qua việc tra cứu trên cổng thông tin điện tử huyện, người dân có thể tra cứu được các thông tin liên quan đến lĩnh vực mình đang quan tâm như: đất đai, quy hoạch, giáo dục, sản xuất nông nghiệp… và kết nối giải quyết các công việc trên cổng dịch vụ trực tuyến… thay vì phải nhiều lần đi lại trực tiếp như trước. Thậm chí, người dân còn có thể tra cứu và nắm bắt được các hoạt động văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội… với nhiều tiện ích như: lịch sử hình thành, vị trí, thời gian diễn ra, chỉ đường đến… cùng nhiều tiện ích khác trong cuộc sống hằng ngày.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, việc huyện An Dương tập trung cao cho công tác chuyển đổi số và nhất là xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống DSS cho thấy rõ quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị của huyện An Dương trong việc xây dựng chính quyền số, chính quyền hiện đại phục vụ nhân dân và vì nhân dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tin tưởng, Hệ thống DSS huyện An Dương đi vào hoạt động một cách hiệu quả sẽ là bước đi quan trọng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số không chỉ của huyện An Dương, mà còn góp sức cho sự nghiệp chuyển đổi số của thành phố Cảng có những bước tiến mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.