Chuyển đổi năng lượng: Vấn đề cấp bách toàn cầu

Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh là xu thế tất yếu, trong bối cảnh thế giới không còn nhiều thời gian cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chuyển đổi năng lượng là một trong những chủ đề “nóng” được tập trung thảo luận tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) và đây là lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy điện mặt trời với các hệ thống quang điện gần Mainburg, phía tây bắc thành phố Munich, Đức, ngày 20/10/2021. (Ảnh: Reuters)
Một nhà máy điện mặt trời với các hệ thống quang điện gần Mainburg, phía tây bắc thành phố Munich, Đức, ngày 20/10/2021. (Ảnh: Reuters)

COP27 được coi là diễn đàn toàn cầu duy nhất mà tất cả quốc gia tham gia cùng thống nhất về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu. Hội nghị này là niềm hy vọng trước mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Đối với nhiều người, khủng hoảng khí hậu không phải xảy ra ở tương lai mà là thực tế đang diễn ra. Trong bối cảnh đó, Đức, vốn đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi xanh của châu Âu, đang vận động để sớm chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, các nước cần sẵn sàng hợp tác ứng phó với cuộc khủng hoảng như cùng nhau giảm khí thải nhà kính và giải quyết các vấn đề tài chính. Bà cảnh báo, nếu không đẩy nhanh quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo, thế giới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà các nước đã cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại COP27, Mahmoud Mohieldin nhận định rằng, việc chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng xanh và bền vững là cần thiết không chỉ để đạt được tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao các khía cạnh quan trọng như y tế và giáo dục trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các cam kết tài chính dành cho chuyển đổi năng lượng vẫn còn khiêm tốn. Tại phiên họp mang tên "Những người thay đổi cuộc chơi thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu", ông Mohieldin nói rằng, thực tế là lĩnh vực chuyển đổi năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài chính khí hậu.

Nếu không tính Trung Quốc, các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD hằng năm để tài trợ cho quá trình chuyển đổi ngành năng lượng và cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng cho 600 triệu người châu Phi. Khoản chi này lớn gấp 10 lần số tiền cam kết tại Copenhagen nhằm tài trợ cho hành động khí hậu tại các nước đang phát triển, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 7 trong số 23 quốc gia phát triển đã hoàn thành cam kết của mình. 80% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng trong năm ngoái là dành cho năng lượng tái tạo, tuy nhiên, đóng góp của lĩnh vực này vào sản xuất năng lượng toàn cầu không vượt quá 5%.

Để hỗ trợ các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, Đặc phái viên khí hậu của Mỹ, ông John Kery đã tuyên bố thiết lập một kế hoạch đền bù carbon. Kế hoạch Tăng tốc chuyển đổi năng lượng (ETA) của Mỹ dự định tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo và tăng tốc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch tại các nước đang phát triển. Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ phát triển chương trình cùng Quỹ Bezos Earth và Quỹ Rockefeller, với sự đóng góp từ các lĩnh vực công và tư, dự kiến được thực hiện đến hết năm 2030 và có khả năng gia hạn tới năm 2035.

Mục đích của chương trình là vận hành thị trường carbon để triển khai vốn đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) cũng cho biết, đã ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ Khí hậu xanh (GCF) nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi xanh tại Mỹ Latin và Caribe. IDB sẽ phân bổ 450 triệu USD dưới hình thức cho vay ưu đãi cho Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominicana, Jamaica, Panama, Paraguay và Uruguay.

Các khoản cho vay này sẽ được giải ngân thông qua các dự án do GCF triển khai. Tại châu Á, Indonesia mới đây cũng nhận được thông báo từ Mỹ, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Đầu tư Khí hậu về khoản đầu tư 20 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chuyển đổi năng lượng trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và COP27 đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ các cam kết và hành động của thế giới trong lĩnh vực quan trọng này. Năng lượng truyền thống đang dần phải nhường chỗ cho năng lượng tái tạo, song để đạt được các mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 là thách thức không nhỏ. Thế giới cần hơn bao giờ hết sự đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và nhiều hơn cam kết từ các nhà tài trợ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.