Chuyển đổi mô hình để sản xuất sạch hơn

Nâng cao chất lượng, chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường là định hướng mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến trong quá trình chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện hữu trở thành khu công nghiệp sinh thái...
0:00 / 0:00
0:00
Việc chia sẻ hệ thống lò hơi giữa ba công ty tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
Việc chia sẻ hệ thống lò hơi giữa ba công ty tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, sử dụng tiết kiệm tài nguyên.

Nằm trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), 5 năm qua, ba nhà máy sản xuất thuộc Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Meizan CLV và Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương đã phối hợp thực hiện mô hình Kết hợp-Tuần hoàn.

Đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH Meizan CLV cho biết, nhận thấy lò hơi của Nhà máy Cái Lân sử dụng không hết công suất nên bộ phận kỹ thuật công ty nảy ra ý tưởng mua hơi về cho Meizan sử dụng, phục vụ sản xuất. Từ đường ống truyền hơi nóng này, tiếp tục truyền đến Nhà máy Nam Dương để phục vụ quá trình sản xuất tại đây. Đây được xem là một mô hình “kinh tế tuần hoàn”, “đầu ra” của doanh nghiệp này là “đầu vào” của doanh nghiệp khác nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường.

Mô hình “kinh tế tuần hoàn” cũng được ba doanh nghiệp này thực hiện khi hệ thống xử lý nước thải được một nhà máy “chia sẻ” cho hai nhà máy khác.

Ông Cổ Đình Huy, Giám đốc Nhà máy-Công ty TNHH Meizan CLV chia sẻ, ban đầu, mô hình Kết hợp-Tuần hoàn được ba doanh nghiệp bắt tay thực hiện chỉ là ngẫu nhiên vì cả ba đều thuộc Tập đoàn Wilmar, lại nằm sát nhau trong cùng khu công nghiệp. Nhận thấy hiệu quả mang lại của mô hình này chính là sự “cộng sinh”, nhà máy này sử dụng hơi nóng của nhà máy kia đã giúp tiết kiệm 2/3 giá trị đầu tư và khấu hao máy móc nên tiếp tục thực hiện với hệ thống nước thải. Mô hình cộng sinh đã giúp doanh nghiệp có ý thức hình thành các mô hình sản xuất xanh, sạch hơn.

Phó Tổng Giám đốc Khu công nghiệp Hiệp Phước Giang Ngọc Phương chia sẻ: hiện có 24 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước trở thành khu công nghiệp sinh thái. Những doanh nghiệp đã ý thức: Sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng người lao động của họ.

Tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), tình trạng thâm dụng tài nguyên trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang được các doanh nghiệp sản xuất đưa ra các giải pháp khắc phục, trong đó chủ yếu là thay thế và sử dụng các trang thiết bị hiện đại, sử dụng công nghệ tiết kiệm điện, năng lượng, nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên...

Ông Trần Tựu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm SaVi (Savipharm), cho hay, những năm qua, Savipharm đã đầu tư mới Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao, đồng thời đang trong quá trình đầu tư đổi mới toàn bộ trang thiết bị công nghệ tiên tiến của các nước G7 tại nhà máy sản xuất dược phẩm. Hoạt động “sản xuất xanh” bao gồm quy trình sản xuất khép kín, liên tục, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu; sử dụng vật liệu bao bì đóng gói thân thiện với môi trường bao gồm giảm vật tư phế thải; thực hiện giải pháp xử lý chất thải (bao gồm chất thải rắn, nước thải, khí thải) bảo vệ môi trường triệt để... “Sản xuất xanh” là xu thế toàn cầu trong các hoạt động sản xuất-dịch vụ nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho xã hội và thiết thực bảo vệ môi trường.

Ông Giang Ngọc Phương nhận định, hiện nay doanh nghiệp tham gia vào sản xuất sạch hơn, chuyển đổi mô hình sản xuất gặp không ít khó khăn, vướng mắc như chi phí chuyển đổi công nghệ và thực hành sản xuất sạch hơn rất lớn nhưng lợi ích thu được để bù đắp chi phí chuyển đổi chưa rõ ràng, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, sau hơn 30 năm, thành phố có ba khu chế xuất, 14 khu công nghiệp, hiệu quả về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay, một số khu chế xuất, khu công nghiệp đi được một nửa chặng đường trong thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước. Trong khi đó, thách thức phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng hiệu quả hơn.

Thành phố đang thí điểm chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái theo Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc triển khai thực hiện.

Thành phố Hồ Chí Minh xác định phải tìm quỹ đất quy hoạch khu công nghiệp mới, xây dựng mô hình khu công nghiệp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của thành phố. Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2040” đã được xây dựng.

“Đề án này sẽ là tiền đề để nhân rộng chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước. Đối với khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu, thành phố sẽ chuyển đổi theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu dự án trong khu công nghiệp thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết thêm.