Ngày Lương thực Thế giới năm 2021 với chủ đề “Hành động hôm nay, tương lai ngày mai - Cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống” nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi sang các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng hiệu quả, đầy đủ, linh hoạt và bền vững hơn.
Đây cũng là sự kiện kêu gọi sự chung tay hành động từ tất cả các ban ngành nhằm bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm với giá cả hợp lý, an toàn và đầy đủ dinh dưỡng để người dân ở mọi nơi đều được hưởng cuộc sống năng động và lành mạnh.
Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề lương thực càng được nhìn nhận rõ hơn về vai trò quan trọng của nó khi tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình trạng nghèo đói gia tăng đang khiến số lượng người dân phải sử dụng đến các kho dự trữ lương thực ngày càng tăng và hàng triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Do đó, cần các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững có khả năng cung cấp cho 10 tỷ người trên thế giới vào năm 2050.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, chủ đề năm nay là cơ hội để cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, bảo đảm dinh dưỡng; đồng thời, vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho hơn 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nông nghiệp Việt Nam vẫn bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng đề cao vai trò quan trọng của công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả, năng suất, an toàn thực phẩm. Đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tạo khả năng phục hồi cao hơn cho chuỗi cung ứng nông sản. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh và bền vững - một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Với những định hướng nêu trên, Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng với FAO và các đối tác quốc tế triển khai các mục tiêu của Ngày Lương thực thế giới năm nay, qua đó góp phần đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.