Chuyện cửa ô phía nam Hà Nội

Cửa ô hay công viên?

Dường như hầu hết các đồ án đều có chung một nét: không khác gì một quy hoạch công viên hiện đại, cũng bao phủ phần lớn là cây xanh, mặt nước, đường đi lối lại, thêm một số tượng đài. Trong đó tượng đài chủ chốt được chọn là điểm nhấn thì dường như chỉ đạt được độ cao và vẻ bề thế mà thiếu vắng hẳn những nét đặc trưng cho Thăng Long - Hà Nội.

 

Cứ thử giả dụ, đem cuộc trưng bày này đi bày ở một nước khác chẳng hạn thì cũng dễ được coi là một công viên hiện đại chung chung, ghép vào thành phố nào chẳng được vì cùng một thông số kỹ thuật "nhang nhác" như nhau; khó nhận ra là công trình này chỉ phục vụ cho đích thị Hà Nội.

Các tượng đài thì cũng khá đa dạng, nhiều cái giống tháp đôi ở Kuala Lumpur, nhiều tháp lại giống biểu tượng Linga của người Chăm. Có tượng đài lại giống tháp Eiffel ở Paris.

Hình như vấn đề ở đây không hẳn là lỗi của các nhà kiến trúc mà có thể là lỗi ở ngay... đề bài được giao.  Một khoảnh đất quá rộng thì phải làm công viên là tất yếu, mặc dù cạnh đó đã có hẳn một công viên Yên Sở bề thế. Nhưng cái chính đáng nói là khoảnh đất rộng thế mà lại chỉ ở một vế của con đường quốc lộ Pháp Vân - Cầu Giẽ và cũng ở một vế khác của con đường vành đai trong quy hoạch.

Chẳng một nước nào xây cửa ô lại lệch về một bên đường cả. Không những bớt đi cái vẻ hoành tráng mà cũng mất đi cái chức năng... cửa (phải cân đối hai bên và có lối đi ở giữa), dẫu là cửa ô của một thành phố. Nhiều nước xây Khải Hoàn Môn, một dạng cửa ô, một dạng cổng chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Hà Nội cũng có nhiều cửa ô trong lịch sử mà cũng không cửa ô nào lại chỉ nằm ở một bên đường. Vì thế, lẽ ra khu đất chọn làm cửa ô phải ở cả hai bên đường thì mới có đất "dụng võ" cho các kiến trúc sư thực hiện. Hà Nội cũng không phải quá thiếu đất để chọn một khu đất hai bên đường đáp ứng nhu cầu thiết kế.

Biểu tượng nào cho cửa ô phía nam Hà Nội?

 

Hà Nội từng có nhiều cửa ô. Không chỉ có 5 cửa ô "đón chào đoàn quân tiến về" như hồi mới giải phóng Thủ đô năm 1954 mà tuỳ từng thời kỳ mà số cửa ô cũng co dãn. Năm 1749, Hà Nội có 8 cửa ô.

Đầu thế kỷ 19, Hà Nội có 16 cửa ô, riêng phía đông đã có 11 cửa ô, chứng tỏ sự giao thương của Hà Nội khi đó chủ yếu ở bờ sông Hồng. Qua thăng trầm của lịch sử, rất tiếc chỉ còn di tích cửa ô duy nhất là ô Quan Chưởng hiện ở phố Hàng Chiếu.

Thiết kế cửa ô phía nam Hà Nội, vì thế, chúng ta cũng phải tính việc còn phải xây các cửa ô khác của Hà Nội trong tương lai. Có lẽ, kiến trúc mỗi cửa ô cũng nên mang một nét đặc trưng riêng cho vùng miền (xứ Đoài, xứ Đông, Kinh Bắc... nói theo cách xưa) mà Hà Nội có giao lưu thông qua cửa ngõ của mình.

Cửa ô hiện đại đầu tiên của Hà Nội cần mang dấu ấn đặc thù của mảnh đất ngàn năm Thăng Long. Suốt dọc dài của lịch sử, hình tượng Rồng bay (Thăng Long) đã gắn chặt với sự kiện định đô của Vua Lý Công Uẩn. Từ Hoa Lư - cũng ở phía nam Hà Nội mà qua cửa ngõ này, Vua Lý đã chọn đô ở mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Có thể hình tượng Rồng thời Lý với thân hình mềm mại mà nhiều nhà khoa học quen gọi là Rồng "giun" sẽ là gợi ý tốt cho nét kiến trúc chủ đạo của cửa ô, đương nhiên là còn phải cách điệu theo đúng ngôn ngữ nghệ thuật. Biểu tượng Rồng bay còn gắn liền với sự thăng hoa và trường tồn của dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Cửa ngõ phía nam của Hà Nội còn gánh nặng vai trò lịch sử là một điểm quan trọng trên con đường thiên lý vô nam từ trước đến nay của cha ông ta. Cửa ngõ này từng chứng kiến bước chân của Vua Lý đi mở cõi phương nam, từng đoàn quân thần tốc của Quang Trung tiến vào Hà Nội đánh đuổi giặc thù và cũng chính cửa ngõ phía nam Hà Nội lại tiễn biệt đoàn quân Nam tiến đánh Pháp năm nào.

Vì thế, khi dựng đồ án kiến trúc cửa ô phía nam, bên cạnh hình tượng chủ đạo là Rồng bay, cần có những biểu tượng nhỏ hơn phản ánh được một số mốc son quan trọng mà lịch sử đã ghi nhận ở hướng nam Hà Nội.

Cửa ô bao giờ cũng gắn với giao thông và giao thương, vì thế cần phải chọn điểm giao thông và giao thương thuận lợi để có thể "khoe" Hà Nội với khách thập phương trong nước và ngoài nước. Tại sao ta không dựng một số biểu tượng phụ bên cạnh biểu tượng chính ở hai bên một đoạn con đường thiên lý xưa nay là quốc lộ 1 để tôn vinh lịch sử Hà Nội thay vì chỉ là công viên?

 

Cửa ô cũng như tượng đài, phải ở một vị trí thuận lợi cho đông đảo người dân chiêm ngưỡng, chứ không như một số tượng đài trước đây không rõ vì lý do gì mà toàn ở chỗ khuất nẻo như tượng Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa, tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi. Vì thế, cửa ô phía nam không thể như mảnh đất đang được dự kiến (chỉ ở một bên đường thiên lý) mà nhất thiết phải nằm ở cả hai bên trục lộ lớn nhất và cũng là một điểm nút giao thông nhiều phương tiện xe cộ qua lại.

Mong rằng từ một cuộc thi kiến trúc này, Hà Nội lại thêm một công trình văn hoá để đời mang đậm cốt cách lịch sử Thăng Long mà vẫn có được cái dáng vẻ hiện đại của thế kỷ 21. 

PGS-TS TRỊNH SINH
Báo Lao động

-------------------------
Tin bài liên quan:
- Lần nữa và bao giờ? (26-7)
- Triển lãm '"Ý tưởng và giải pháp quy hoạch - kiến trúc cửa ô phía Nam'' để lấy ý kiến nhân dân (9-10)