Chuyển biến trong thu hút đầu tư ở Bạc Liêu

Từ sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2010-2015 đến nay, Bạc Liêu có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tạo vị thế mới ở khu vực ÐBSCL và cả nước...

Trung tâm điện gió Bạc Liêu tiếp tục được mở rộng.
Trung tâm điện gió Bạc Liêu tiếp tục được mở rộng.

Bứt phá về năng lực cạnh tranh

Ðầu năm 2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh. Theo đó, chỉ số PCI của Bạc Liêu bứt phá "ngoạn mục", đứng hạng bảy so cả nước, tăng 32 bậc so năm 2011. Kết quả này đã chứng minh sinh động sự phấn đấu cao của tỉnh, nhằm không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh đi lên.

Bạc Liêu là tỉnh nằm cách xa các trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước, xuất phát điểm thấp, hạ tầng kỹ thuật nhiều năm qua mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng do nguồn vốn có hạn và thiếu nguồn nhân lực, cho nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế. Nhận rõ tiềm năng và hạn chế, mấy năm qua, nhất là từ sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14 đến nay, tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, đổi mới các hình thức thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều tổ chức ít nhất hai cuộc họp mặt với các DN, các nhà đầu tư, đồng thời mạnh dạn, thẳng thắn nêu những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh để có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng khẳng định: Lãnh đạo tỉnh luôn nhận thức rằng, DN, nhà đầu tư không chỉ là "đối tượng quản lý" mà là "bạn đồng hành" cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay, góp sức quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương. Vì vậy, quan điểm của tỉnh là cần tạo thuận lợi để các DN, các nhà đầu tư an tâm, hăng hái, phấn khởi hợp tác làm ăn. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thiếu trách nhiệm, "vòi vĩnh" DN, các nhà đầu tư. Bởi, các DN, nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả mới nộp ngân sách tốt, tích cực đóng góp cho an sinh xã hội và tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương...

 Chuyển biến trong thu hút đầu tư ở Bạc Liêu ảnh 1

Nhà máy Điện gió Bạc Liêu đã hòa lưới điện quốc gia.

Thu hút đầu tư nhiều dự án lớn

Có thể nói, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trước năm 2009, Bạc Liêu thu hút được rất ít dự án, nhưng từ năm 2010 đến nay tỉnh đã thu hút hơn 120 dự án, với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 21 nghìn tỷ đồng. Mặc dù trong năm 2012 - 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng đáng mừng là từ đầu năm 2012 đến nay, Bạc Liêu đã thu hút được 34 dự án đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, trong năm 2013, nhiều dự án của tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động, như Nhà máy da giày An Hưng tại huyện Giá Rai; Trường mẫu giáo chất lượng cao ISchool tại TP Bạc Liêu và khởi công mười dự án khác, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Ðáng chú ý là dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu được khởi công ngày 9-9-2010 trên diện tích hơn 500 ha đất hoang ven biển, công suất thiết kế ban đầu 99,2 MW gồm 62 trụ tua-bin, vốn đầu tư giai đoạn đầu hơn 5.217 tỷ đồng, cung cấp 310 triệu kW giờ/năm. Ðây là dự án điện gió lớn nhất nước tính đến thời điểm hiện nay và là dự án đầu tiên tại ÐBSCL, đồng thời, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng "đánh thức" tiềm năng, thế mạnh một vùng đất ven biển rộng lớn của địa phương. Ngày 29-5-2013, Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu đã chính thức hòa lưới điện quốc gia giai đoạn I với tổng công suất 16 MW. Những ngày gần Tết Giáp Ngọ, có dịp trở lại thăm công trình nhà máy, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cán bộ, công nhân đang khẩn trương thực hiện giai đoạn II của dự án, với việc xây dựng tiếp 53 tua-bin gió, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2014, cung cấp hơn 300 triệu kW giờ điện mỗi năm. Từ kết quả nêu trên, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Bạc Liêu và Công ty Công Lý tiếp tục đầu tư mở rộng dự án với quy mô lên đến 300 trụ tua-bin gió sẽ trở thành trung tâm điện gió lớn nhất Việt Nam.

Ðiểm đến tin cậy, hấp dẫn đầu tư

Trong không khí rộn ràng của năm mới 2014, tôi gặp và trò chuyện với ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý (đơn vị chủ đầu tư dự án Trung tâm điện gió Bạc Liêu). Ông Dân bộc bạch: "Trước đây, công ty chúng tôi có ý định đầu tư xây dựng dự án Trung tâm điện gió tại tỉnh Sóc Trăng. Nhưng trong quá trình khảo sát, tìm hiểu, tôi thấy lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu hết sức tâm huyết, trách nhiệm cao với quê hương, với nhân dân; đồng thời thiệt lòng mời gọi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến hợp tác phát triển. Bản thân tôi rất cảm động, quý mến, trân trọng sự nhiệt tình đó, cho nên đã quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm điện gió tại vùng ven biển Bạc Liêu. Gần bốn năm kể từ khi khởi công dự án, tôi nhận thấy lãnh đạo tỉnh luôn rất quan tâm, "kề vai sát cánh" giúp chúng tôi vượt qua rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án...".

Ông Hoàng Thanh Long, Chủ tịch HÐQT Công CP Ðầu tư xây dựng Hoàng Phát chi nhánh Bạc Liêu, đơn vị đang thực hiện dự án khu dân cư tại phường 1, TP Bạc Liêu cho biết: "Theo lời mời gọi của lãnh đạo địa phương, chúng tôi quyết định hợp tác và đầu tư tại Bạc Liêu. Công ty hiện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Trong mấy năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và của tỉnh, nhất là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhưng được lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh động viên, chia sẻ trong lúc khó khăn, nên đã giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, có thêm động lực phấn đấu vươn lên...

Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Bạc Liêu Vũ Văn Phơng nhận xét: "Mấy năm trở lại đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thể hiện quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Không chỉ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, mà tại các huyện, nhất là những huyện vùng sâu, vùng xa, điển hình như huyện Ðông Hải, Phước Long, Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Hòa Bình đã có tiến bộ rõ rệt về cải tiến lề lối làm việc, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, các DN. Tình trạng cán bộ, công chức "hành" các DN, nhà đầu tư đã giảm rất nhiều...".

Ðể minh chứng rõ hơn quyết tâm của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng khẳng định: Bạc Liêu còn nghèo, tiềm năng hạn chế nên phải ra sức phát huy nội lực, đồng thời tích cực tranh thủ ngoại lực. Bạc Liêu không "chơi trội", luôn nguyện làm "người em út dễ thương" của các địa phương khác... Mỗi cán bộ, người dân, các DN, nhà đầu tư cần chung sức, đồng lòng vì lợi ích của nhân dân, vì một Bạc Liêu quyết tâm không cam chịu nghèo, phải nỗ lực vươn lên sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh...