Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa

Tích tụ, tập trung đất đai gắn với tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất đã và đang tăng nhanh giá trị và thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác ở Thanh Hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất Lam Sơn-Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa.
Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất Lam Sơn-Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa.

Tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn

Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới, tỉnh Thanh Hóa giành được những thắng lợi quan trọng trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, giữ vững chốt an ninh lương thực. Dù vậy, tổng quy mô sản xuất lớn nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đồng bộ.

Các sản phẩm nông sản chủ yếu mới ở dạng nguyên liệu, chế biến sâu còn rất hạn chế; số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhưng đa phần còn yếu cả về năng lực và nguồn lực.

Gần 3 năm trở lại đây, Thanh Hóa tích tụ thêm 22.439ha đất, nâng tổng diện tích tích tụ toàn tỉnh lên hơn 49 nghìn ha.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sớm ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí thuê đất, chuyển nhượng đất để khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao đối với lĩnh vực trồng trọt và thủy sản.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đã bố trí hơn 530 tỷ đồng thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tỉnh tiếp tục bố trí ngân sách theo chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025.

Gần 3 năm trở lại đây, Thanh Hóa tích tụ thêm 22.439ha đất, nâng tổng diện tích tích tụ toàn tỉnh lên hơn 49 nghìn ha.

Trên địa bàn tỉnh định hình vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 158 nghìn ha; cơ giới hóa đồng bộ khâu làm đất, thu hoạch đạt 100%, gieo cấy đạt 45%, chăm sóc đạt 20-25%.

Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa ảnh 1

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở Thanh Hóa.

Tích tụ, tập trung đất đai tạo thuận lợi áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết gắn với thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đó là liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại các huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống và thành phố Thanh Hóa cho hiệu quả kinh tế tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất thông thường, lợi nhuận tăng thêm từ 30 đến 50 triệu đồng/ha.

Mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại các huyện miền núi: Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân,… cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dược liệu ở huyện Triệu Sơn đạt thu nhập 400 triệu/ha/năm.

Nhiều mô hình tích tụ đất đai để nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua khảo sát, thực hiện chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai đã góp phần tăng thêm 9,7 triệu đồng giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác vào năm 2021, tăng thêm 12,7 triệu đồng vào năm 2022.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân Lê Hoàng Cường ghi nhận: Tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tạo thêm nguồn lực nội sinh cho xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP.

Toàn huyện đã tích tụ, tập trung được gần 1.250ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt hơn 77% mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; giá trị sản phẩm từ 80 triệu đồng tăng lên 85 triệu đồng/ha và đã có 8 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm OCOP 4 sao.

Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa ảnh 2

Dưa vàng trồng trong nhà lưới ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tích tụ đất đai thu hút, hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 205 doanh nghiệp lĩnh vực trồng trọt, 172 doanh nghiệp chăn nuôi, 94 doanh nghiệp thủy sản, 156 doanh nghiệp lâm nghiệp; 761 doanh nghiệp tổng hợp, sản xuất, chế biến.

Nhiều dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn; chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, TH Truemilk; chuỗi chăn nuôi gà gắn với chế biến, tiêu thụ của Công ty cổ phần nông sản Phú Gia; các dự án chăn nuôi lợn của Tập đoàn Dabaco, Xuân Thiện, Newhope; dự án sản xuất sản phẩm tre luồng của Công ty cổ phần Bamboo King Vina, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của Công ty trách nhiệm hữu hạn Anh Quân Hải Châu… có đóng góp quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Thanh Hóa.

Dù vậy, một bộ phận lao động thoát ly nông nghiệp nhưng thu nhập thiếu ổn định, trong nông dân tồn tại tâm lý muốn giữ ruộng, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tích tụ, tập trung đất đai.

Mặc dù khoa học, công nghệ phát triển nhanh, nhiều thành tựu khoa học, giải pháp công nghệ được phổ biến, nhưng lao động trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu về khả năng tiếp cận, ứng dụng, làm chủ khoa học công nghệ.

Thêm nữa, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không nhiều; huy động nguồn lực khu vực này để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh còn hạn chế.

Liên kết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ở Thanh Hóa thúc đẩy hình thành 3 chuỗi khép kín trong sản xuất giống lúa, quy mô từ 3.000-3.500ha/năm, sản lượng từ 12-15 nghìn tấn giống lúa/năm, giá trị sản xuất đạt cao hơn so với sản xuất thương phẩm 1,25-1,4 lần; 5 chuỗi sản xuất lúa gạo thương phẩm cho sản lượng hằng năm đạt từ 140-180 nghìn tấn lúa (tương đương 100-120 nghìn tấn gạo), giá trị gia tăng đạt khoảng 10-15% so với sản phẩm ngoài chuỗi; một chuỗi chế biến sữa gạo lứt đạt giá trị gia tăng 60-70%.

Hằng năm, có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất rau an toàn hơn 8.560ha, tiêu thụ theo 219 chuỗi cung ứng; trong đó, rau được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận đạt 53,1% và ứng dụng thành công công nghệ nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP trong diện tích 870.000m2.

Tổng diện tích trồng cây ăn quả ở Thanh Hóa đạt gần 22 nghìn ha, sản lượng hơn 300 nghìn tấn; trong đó 12 nghìn ha trồng cây ăn quả tập trung, 243ha áp dụng các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm trong nhà lưới, nhà kính.

Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa ảnh 3

Trồng rau an toàn trong nhà kính ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa Vũ Quang Trung thông tin thêm: Trên địa tỉnh hình thành 269 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, 13 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên hơn 600ha, trong đó 40ha nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/ha/vụ. Bước đầu đã hình thành vùng nuôi tập trung với khoảng 7,3% diện tích nuôi tôm được liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thông qua 12 hợp tác xã và 3 tổ cộng đồng; vùng nuôi ngao Bến Tre hơn 1.250ha, sản lượng 15 nghìn tấn/năm, cung ứng cho Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Thanh Hóa chế biến đông lạnh và xuất khẩu.

Tổng diện tích trồng cây ăn quả ở Thanh Hóa đạt gần 22 nghìn ha, sản lượng hơn 300 nghìn tấn; trong đó 12 nghìn ha trồng cây ăn quả tập trung, 243ha áp dụng các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm trong nhà lưới, nhà kính.

Tại các xã Hoằng Yến, Hoằng Phụ, Hoằng Lưu, Hoằng Châu huyện Hoằng Hóa, mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho doanh thu trung bình 5,4 tỷ đồng/ha, lợi nhuận tăng 1,6 tỷ đồng ha/năm. Mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, nhà màng ở các xã: Hoằng Hợp, Hoằng Đạt, Hoằng Thắng cho doanh thu 900 triệu/ha, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.

Các mô hình tích tụ, tập trung đất đai, liên kết sản xuất quy mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm cho doanh thu bình quân 350 triệu đồng/ha, lợi nhuận 120 triệu đồng/ha/năm.

Sơ kết giữa nhiệm kỳ, huyện Hoằng Hóa đánh giá: Các mô hình sản xuất nông nghiệp chỉ đạt một hoặc hai tiêu chí về sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường hơn 20%; các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đều đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn 50% so với sản xuất thông thường.

Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa ảnh 4

Thu hoạch tôm nuôi thâm canh ở vùng duyên hải huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Cao Văn Cường nhận xét: Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ngày càng được ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Điển hình như sản xuất, trồng 170ha rau, quả trong nhà màng, nhà lưới; ứng dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động, cơ giới hóa trong trang trại chăn nuôi lợn, gà đạt 88%, trang trại bò sữa đạt 100%; nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trong nhà bạt, nhà màng đạt 170ha, tăng 150ha; tỷ lệ sử dụng giống cây keo mô trồng rừng tập trung đạt 34,1%, tăng 25% so với năm 2020.

Quy mô giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực năm 2023 ước đạt 25 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3 nghìn tỷ đồng so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 4%/năm, đóng góp 67% tổng giá trị sản phẩm của toàn ngành. Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng chuỗi giá trị, góp nâng tầm thương hiệu, vị thế sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm chủ lực quốc gia.

Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng cao; gắn với hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hình thành các vùng trồng trọt, quy mô 75 nghìn ha sản xuất lúa gạo, 18 nghìn ha cây ăn quả tập trung, 20 nghìn ha ngô, 14,3 nghìn ha gieo trồng rau hằng năm; trong đó, diện tích quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao 4.100ha, sản xuất công nghệ số, thông minh đạt hơn 1 nghìn ha.

Thanh Hóa phấn đấu trồng, phát triển 13 nghìn ha rừng sản xuất theo hướng công nghệ cao, 1.100ha tre luồng, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ, từ 200 triệu đồng trở lên/ha chu kỳ sản xuất, kinh doanh gỗ lớn.