Chuyển biến trong quản lý trật tự xây dựng

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương từng có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cao so với cả nước. Tuy nhiên, sau khi Thành ủy ban hành chỉ thị, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch chấn chỉnh, đến nay tình trạng xây dựng sai phép, không phép đã giảm mạnh, tạo sự tin tưởng và ủng hộ của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Quận 12 được tháo dỡ.
Một công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Quận 12 được tháo dỡ.

Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, sau bốn năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/7/2019 và Kế hoạch số 3333/KH-UBND, đến tháng 6/2023, thành phố có 2.699 công trình vi phạm (bình quân 1,8 vụ/ngày), giảm 6,7 vụ/ngày; tỷ lệ giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 170 công trình vi phạm (bình quân 0,9 vụ/ngày), giảm 7,6 vụ/ngày; tỷ lệ giảm 89%.

Trong bốn năm qua có 184 cán bộ, viên chức thuộc Sở Xây dựng, các quận, huyện bị xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức như khiển trách, cảnh cáo, cách chức; buộc thôi việc hai trường hợp. Tại Bình Chánh, địa phương có tỷ lệ vi phạm cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến rõ nét.

Năm 2019, tổng số công trình vi phạm ở huyện là 132 với 71 sai phép và 61 không phép thì 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có bốn trường hợp, gồm hai sai phép và hai không phép. Sau bốn năm thực hiện Chỉ thị số 23, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện đã giảm 57,49% so với trước. Số trường hợp vi phạm, người dân chấp hành tự giác tháo d ỡ công trình qua vận động tăng.

Một số xã, thị trấn cũng đã cơ bản kiểm soát được tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Huyện Bình Chánh đã tăng cường kiểm tra thực tế về tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, nhất là tại địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Hưng Long, Tân Kiên, Tân Nhựt, Bình Hưng, Lê Minh Xuân... Đồng thời, huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chủ động rà soát, phân loại các công trình vi phạm, xây dựng kế hoạch lộ trình, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, xác định những công trình ưu tiên tập trung thực hiện cưỡng chế, nhất là công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, các công trình vi phạm đã thanh tra, kiểm tra kết luận, các công trình nhà kho, nhà xưởng và công trình vi phạm có quy mô lớn, gây bức xúc dư luận.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Hiệu quả của Chỉ thị số 23 và Kế hoạch 3333 không chỉ thể hiện bằng những con số mà còn tác động mạnh đến từng cơ quan, ban, ngành và người dân. Trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, ý thức chấp hành nhiệm vụ công vụ, tinh thần chủ động, sáng tạo của công chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng được cải thiện; đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đã tích cực tham gia giám sát, phát hiện, phản ánh các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Việc xây dựng quy trình, công khai minh bạch, bảo đảm thông thoáng, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng…

Ông Lâm Nhựt Tú, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè cho biết: Việc thực hiện Chỉ thị số 23 không chỉ giúp giảm mạnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng mà còn giúp nhiều người dân sinh sống ven kênh, rạch được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho rằng: Việc xử lý vi phạm xây dựng mới chỉ là phần ngọn.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn xây dựng không phép, sai phép là phải tạo lập đủ chỗ ở cho người dân. Hiện Sở Xây dựng đã triển khai việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân được cấp phép để xây dựng, cải tạo nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động. Bên cạnh đó cần sự chung tay của hệ thống chính trị, các đơn vị quan trọng thông tin kịp thời đến người dân trên địa bàn thành phố qua các kênh tiếp nhận thông tin của thành phố và các quận, huyện như:

Tổng đài 1022, các App, Zalo, Facebook...; đồng thời tiếp tục theo dõi để không xảy ra tình trạng sai phép, không phép; tham mưu lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương để phối hợp giữa các đơn vị nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục cấp phép xây dựng...