Xác định rõ trở lực lớn nhất làm cho Pác Nặm kém phát triển là do kết cấu hạ tầng kém, những năm qua, Ðảng bộ huyện xác định tập trung các nguồn lực đầu tư của Ðảng và Nhà nước để khắc phục vấn đề này. Công Bằng chỉ cách trung tâm huyện hơn mười cây số, nhưng chỉ cách đây mấy năm về trước được coi là xã vùng sâu, vùng xa vì không có đường giao thông, đi lại phải trèo đèo lội suối, vào mùa mưa thường bị chia cắt, biệt lập với bên ngoài. Nhờ được đầu tư trải nhựa tuyến đường từ huyện vào xã, chỉ sau mấy năm, Công Bằng thay đổi hẳn. Có đường, việc đi lại không những dễ dàng mà còn là động lực để xây dựng các hạ tầng thiết yếu khác, bà con đồng bào Mông, Dao có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Lần trước đến Công Bằng, chúng tôi thấy các cán bộ xã phải làm việc trong căn nhà tạm, nhưng giờ đây Trạm y tế xã đã được xây dựng khang trang, trường học từ bậc mầm non đến THCS ở ngay trung tâm xã đã được xây dựng mới; lưới điện quốc gia được kéo đến hầu hết các thôn, bản trong xã. Chủ tịch UBND xã Công Bằng Hoàng Lường Phùng vui mừng: Với sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, năm năm gần đây xã chúng tôi có bước phát triển mạnh, bộ mặt nông thôn miền núi khởi sắc, đời sống bà con được cải thiện.
Trận lũ quét tháng 7-2009 làm cho xã Nhạn Môn bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài bởi đường giao thông bị sạt lở, cầu cống bị lũ cuốn trôi. Giờ đây, tuyến đường được đầu tư, nâng cấp, những chỗ có nguy cơ sạt lở được kè đá chắc chắn, mặt đường được trải nhựa, chúng tôi đi xe máy từ huyện vào xã chỉ mất hơn hai mươi phút.
Năm 2003 thành lập huyện Pác Nặm trên cơ sở mười xã phía bắc nghèo khó, xa xôi nhất của huyện Ba Bể. Khi đó, tất cả các cơ quan của huyện đều phải làm việc trong những căn nhà tạm, hoặc thuê nhà dân, điều kiện làm việc thiếu thốn, khu vực trung tâm huyện là đồi bãi hoang hóa, hầu hết các xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm hoặc chỉ đi lại được vào mùa khô, điện lưới quốc gia mới kéo đến năm xã. Ðến nay, các cơ quan của huyện đã có trụ sở làm việc, trung tâm huyện được quy hoạch xây dựng bài bản, mang dáng dấp của một thị trấn với hạ tầng khang trang. Nhiều cán bộ trẻ được điều động từ huyện Ba Bể lên Pác Nặm đã gắn bó, xây dựng gia đình trên vùng đất này.
Bí thư Huyện ủy Pác Nặm Hoàng Kim Hồng cho biết: Những năm qua, chúng tôi xác định phải sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ vật tư, nâng cao năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc Mông, Dao chiếm đa số trên địa bàn. Nhờ xác định trúng vấn đề, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã khởi sắc, tất cả các xã đều có đường ô-tô đến trung tâm, sáu trong tổng số mười xã có trạm y tế đạt chuẩn, 80% số hộ có điện lưới quốc gia. Trưởng ban Quản lý các dự án huyện Pác Nặm Dương Văn Thuyết cho biết: '5 năm qua, mỗi năm, Pác Nặm được đầu tư xây dựng hạ tầng từ 50 đến 60 tỷ đồng. Hiện nay, Pác Nặm có 11 nguồn vốn dành ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, đường điện, trạm y tế, trường học, kênh mương, đập thủy lợi.
Từ chuyển biến tích cực về kết cấu hạ tầng, việc xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân cũng đạt được nhiều kết quả đáng mừng, huyện đã xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 5%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hai lần so với những năm đầu thành lập huyện. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Pác Nặm vui mừng, cảm nhận sự đổi thay rõ rệt hơn ở một vùng đất khó, điểm xuất phát thấp.