Đi cùng năm tháng do NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam viết kịch bản và đạo diễn, với sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn. Chương trình nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với cách mạng, qua đó giáo dục thế hệ trẻ hôm nay tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha anh.
Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc, chương trình tập trung xây dựng hình tượng trung tâm là những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn xuất hiện xuyên suốt các tiết mục. Ở đó, người xem có thể nhận ra hình ảnh hiên ngang trong chiến đấu của người chiến sĩ đặc công, người lính biển, anh nuôi quân…; cũng có thể cảm nhận tình cảm sâu nặng giữa hậu phương và tiền tuyến: Nỗi nhớ con đau đáu của người mẹ, nỗi nhớ chồng da diết của người vợ chốn quê nhà. Tất cả làm sáng bừng lên chân dung đẹp về hình ảnh người lính Cụ Hồ với tinh thần quả cảm, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, nhưng cũng rất đời, rất người.
Vẻ đẹp ấy được chuyển tải đầy sáng tạo qua sự kết hợp nhuần nhuyễn của ngôn ngữ âm nhạc, múa với những động tác xiếc đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, đem đến thú vị, bất ngờ cho khán giả. Chẳng hạn, ở hoạt cảnh Chiếc gậy Trường Sơn xử lý từ tiết mục xiếc truyền thống Dây thép chùng, cây gậy của các chiến sĩ sẽ trở thành đạo cụ ảo thuật để biến hóa thành những bông hoa, dây thép sẽ trở thành võng, chiếc mũ tai bèo sẽ hóa thành chim bồ câu để người lính gửi tặng người yêu.
Hay trong hoạt cảnh Lê Anh Nuôi tái hiện hình ảnh các chiến sĩ hậu cần sẽ được lồng ghép nhiều trò khéo của xiếc như: Tung hứng, thăng bằng trên con lăn và những dụng cụ nấu ăn trong nhà bếp sẽ được sử dụng như đạo cụ để hòa tấu thành những giai điệu sôi nổi, vui vẻ, thấm đẫm tinh thần lạc quan. Chương trình cũng mang đến nhiều hình ảnh gây xúc động mạnh như: Hình tượng nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong trang phục áo trắng đu người cùng dải lụa đỏ tượng trưng cho mầu cờ Tổ quốc trong hoạt cảnh Biết ơn chị Võ Thị Sáu; hình ảnh người mẹ lưu luyến, nhớ thương con trong hoạt cảnh Huyền thoại mẹ…
Theo NSƯT Tống Toàn Thắng, với sự phối hợp của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Hà Nội, các nghệ sĩ tham gia không nhận thù lao và tự nguyện chuyển toàn bộ số tiền thu được từ chương trình để ủng hộ cho những gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn và nạn nhân chất độc da cam. Chương trình cũng dành vé mời cho các tổ chức: Hội Cựu chiến binh và Hội Chữ thập đỏ của Hà Nội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và Hội Nạn nhân chất độc da cam Hà Nội. Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức chương trình Đi cùng năm tháng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm.