Theo số liệu điều tra, Việt Nam còn hơn 18% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn; đến nay đã có hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương do hậu quả của bom mìn và vật liệu nổ... Ô nhiễm bom mìn ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường và tính mạng của người dân.
Chương trình là hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng nhân ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4-4 hằng năm. Qua đó, kêu gọi sự chung tay, góp sức, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước góp sức thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình 504 đề ra. Phấn đấu để sau vài chục năm nữa có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom mìn, phục vụ phát triển đất nước. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, của mỗi người dân Việt Nam và cũng là sự quan tâm của bạn bè, cộng đồng quốc tế.
Để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh có hiệu quả trong thời gian tới, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung vào những nội dung quan trọng sau: Đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế tạo sự ủng hộ, đóng góp cho chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ để vận động, thu hút tài trợ ODA, tài trợ nhân đạo cho thực hiện chương trình... Cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Việt Nam tiếp tục vận động sự đóng góp của toàn xã hội, thực hiện thành công mục tiêu "Vì một Việt Nam không còn bom mìn sau chiến tranh".