Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:

Chúng tôi đang viết tiếp những giấc mơ

Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và hiện là người đứng đầu đơn vị nghệ thuật này, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Sĩ Tiến  đã đi qua nhiều thăng trầm của nghề diễn cùng ngôi nhà thứ hai của mình. Với anh, không gì hạnh phúc hơn là được khán giả nhớ tới các tác phẩm gắn liền tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Chúng tôi đang viết tiếp những giấc mơ

Tôi tin sân khấu sẽ tươi tắn và hấp dẫn trở lại

- Nhà hát có 45 năm lịch sử hoạt động thì anh đã có hơn 30 năm gắn bó với nơi này. Chắc chắn là có rất nhiều sắc thái trong nghề nghiệp mà anh đã trải qua...

- Tôi đã từng đi bán vé, bê tăng âm, loa đài, rải dây điện, dán áp-phích, đứng ở ngã tư phát quảng cáo,… nói chung là đã trải qua tất cả các sắc thái của một người làm sân khấu được đào tạo đầy đủ (cười). Hành trình đó làm tôi lớn lên, hiểu hơn về cuộc sống, biết yêu thương để sống có ý nghĩa. Xuất phát từ vị trí diễn viên, tôi đã được đóng nhiều "vai" khác nhau. Khi làm đạo diễn, công việc đòi hỏi ở tôi cái nhìn tổng thể hơn, và những kinh nghiệm quý báu trong hành trình đã qua phần nào giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Dù còn vất vả nhưng tôi rất hạnh phúc được làm nghề, được khán giả và đồng nghiệp yêu mến qua các vở diễn, vai diễn. Điều đó không dễ dàng gì. Gần đây, nhất là thời điểm dịch Covid-19, cũng có những khó khăn nhất định, bởi sân khấu là lĩnh vực đóng cửa đầu tiên rồi mở cửa cuối cùng. Nhưng đâu chỉ có sân khấu mới khó khăn, ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tôi luôn động viên và mong muốn truyền năng lượng tích cực đến các đồng nghiệp của mình để chúng tôi cùng nhau hướng tới những mục tiêu tiếp theo.

Nhà hát Tuổi trẻ với tôi là ngôi nhà thứ hai, thời gian tôi ở cơ quan có khi còn nhiều hơn ở nhà. Chúng tôi làm việc và chia sẻ cùng nhau những dự định về sân khấu dành cho tuổi trẻ, rồi cùng các nghệ sĩ gìn giữ, đóng góp xây dựng tên tuổi Nhà hát Tuổi trẻ.

- Phải chăng, đây là lý do khiến anh ít xuất hiện trên các bộ phim truyền hình, trong khi, đó là đất diễn của nhiều gương mặt nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ?

- Trước đây, tôi cũng tham gia đóng một số bộ phim. Nhưng do mình đã chuyển sang công tác dàn dựng và quản lý, mất rất nhiều thời gian nên tôi không dám ôm đồm việc ngoài Nhà hát, mặc dù có thể nói là rất tiếc. Với lại, cũng nhờ đó, tôi có thêm thời gian dành cho sân khấu với một vài vở diễn được khán giả yêu mến, vậy là đã rất hạnh phúc rồi (cười).

- Anh dường như luôn lạc quan trước bối cảnh khó khăn của sân khấu Việt nói chung. Anh nghĩ gì về tương lai phát triển của Nhà hát Tuổi trẻ?

- Sự khó khăn của sân khấu không phải bây giờ mới bắt đầu mà đã âm ỉ từ vài thập niên trước, thời điểm mà internet, điện ảnh, các loại hình giải trí khác bùng nổ. Ngày nay, nhiều người còn ăn, ngủ cùng điện thoại thông minh, câu chuyện thờ ơ với các vở diễn trên sân khấu không khó hiểu.

Nhưng với những ai đã từng đến rạp hát để khóc, cười và suy ngẫm cùng các nhân vật trên sân khấu, tôi tin rằng, họ sẽ có một ngăn riêng trong trí nhớ của mình về loại hình nghệ thuật này. Trong không gian kỳ ảo đó, vở diễn sẽ truyền đi những thông điệp nhất định để khán giả cảm nhận những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn con người, bởi sân khấu là một loại hình có lịch sử phát triển lâu đời trên thế giới. Ở Việt Nam, sân khấu kịch cũng đã có lịch sử hơn trăm năm. Dù phải cạnh tranh với ngày càng nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác nhưng tôi tin sân khấu sẽ phục hưng, sẽ tươi tắn và hấp dẫn người xem trở lại.

Chúng tôi đang viết tiếp những giấc mơ ảnh 1
Cảnh trong vở nhạc kịch Sóng (Tổng đạo diễn: NSƯT Cao Ngọc Ánh). Nguồn: Nhà hát Tuổi trẻ

Nhanh hơn, tinh lọc hơn và giàu thể nghiệm

- Trong bối cảnh giải trí trực tuyến và truyền thông xã hội đang phát triển chóng mặt, nhiều người trẻ tiêu tốn thời gian cho Netflix, TikTok, Facebook, Instagram,… Nhà hát Tuổi trẻ có những định hướng mới nào để có thể chủ động hấp dẫn lớp khán giả này?

- Thế giới thay đổi nhanh, liên tục đến chóng mặt. Nhịp sống ngày càng gấp gáp và hối hả. Thế nên, các vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ cũng phải thay đổi: Tiết tấu cần được đẩy nhanh hơn, đồng thời nội dung cần được tinh lọc hơn.

Khán giả của Nhà hát Tuổi trẻ phần lớn là người trẻ, là thanh, thiếu nhi. Người trẻ luôn thích cái mới. Những người làm sân khấu phải nắm bắt và đáp ứng nhu cầu này của khán giả trong từng vở diễn. Nếu thủ cựu sẽ bị khán giả quay lưng. Đồng thời, với từng phân khúc khác nhau thì từng vở diễn phải tạo ra cảm xúc khác biệt cho khán giả, bằng chính nghệ thuật biểu diễn mang theo hơi thở cuộc sống đương đại. Chúng tôi hay nói với nhau rằng: Hãy kể lại một câu chuyện cũ theo cách mới.

- Nhưng để có được những vở diễn hay, tất phải có những diễn viên giỏi, đạo diễn có tài năng cùng đội ngũ biên kịch vững vàng về chuyên môn. Nhà hát Tuổi trẻ đang giải quyết bài toán nhân lực và nhân sự này như thế nào?

- Với một nhà hát công lập, chúng tôi phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về tuyển dụng và sử dụng lao động. Các nghệ sĩ được hưởng lương như một công chức/viên chức nhà nước, cộng thêm bồi dưỡng biểu diễn hằng đêm. Với các diễn viên, chúng tôi luôn tạo điều kiện để các bạn đi đóng phim, làm công việc chuyên môn khác nhằm tăng thêm thu nhập. Cũng nhờ sự tương hỗ này, khán giả sẽ gặp được nghệ sĩ mà mình yêu mến trên cả sóng truyền hình và sàn diễn sân khấu.

Bên cạnh đó, Nhà hát cũng thúc đẩy việc trẻ hóa đội ngũ đạo diễn từ một số diễn viên giàu kinh nghiệm. Những người làm sáng tạo chúng tôi luôn phải trau dồi tư duy về sứ mệnh của một đơn vị nghệ thuật dành riêng cho khán giả trẻ. Gần đây, Nhà hát đầu tư dàn dựng một số vở nhạc kịch - bộ môn được nhiều khán giả trẻ rất thích thú đến xem. Để tham gia Trại hoa vàng, Sóng, Rồi tôi sẽ lớn…, diễn viên không chỉ diễn mà còn phải biết hát, hát hay và vũ đạo tốt. Chúng tôi không ngại mời một số diễn viên, cộng tác viên, nghệ sĩ bên ngoài tham gia những dự án mới như vậy, song bản thân người của Nhà hát cũng luôn ý thức nâng cao tay nghề, không quản mọi thách thức, thể nghiệm. Nâng cao trình độ biểu diễn cũng là phần quan trọng trong hành trình đưa khán giả đến với sân khấu.

- Anh nhận thấy điều gì có thể gọi là đặc điểm riêng của khán giả Nhà hát Tuổi trẻ?

- Tôi có một kỷ niệm nho nhỏ nhưng rất vui để kể ở đây. Đó là có nhiều người đã xem tôi diễn từ những ngày còn rất trẻ, cỡ 30 năm trước. Đến bây giờ, họ lại bế con đến xem các vở diễn của Nhà hát Tuổi trẻ. Vậy là chính khán giả với tình cảm và sự mến yêu của họ, với mong muốn nuôi dưỡng tình cảm với sân khấu cho con em họ, đã giúp Nhà hát chúng tôi liên tục có sự kế cận giữa các lớp khán giả. Điều hấp dẫn họ đến sân khấu dành riêng cho tuổi trẻ là gì, nếu không phải chất lượng của vở diễn? Chỉ có những sản phẩm tốt mới kéo khán giả đến rạp.

Thực tế tốt đẹp ấy khiến chúng tôi muốn nói đến một kỳ vọng cho Nhà hát: Quy mô của một nhà hát quốc gia dành cho thanh, thiếu nhi sẽ được nhiều bạn bè trong giới sân khấu ghi nhận và bạn bè quốc tế biết đến. Nhà hát Tuổi trẻ sẽ là điểm đến của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật sân khấu, vì ở nơi đây, chúng tôi đang cùng nhau viết tiếp những ước mơ của mình.

- Chân thành cảm ơn anh!